Hướng dẫn viết báo đăng trên Tạp chí Khoa học Nông nghiệp Việt Nam - Tạp chí Khoa học Nông nghiệp Việt Nam

Hướng dẫn viết báo đăng trên Tạp chí Khoa học Nông nghiệp Việt Nam

Đăng ngày:13/09/ 2022

 

HƯỚNG DẪN VIẾT BÀI BÁO

đăng trên Tạp chí Khoa học Nông nghiệp Việt Nam 


    1. Các dạng bài đăng

Tạp chí Khoa học Nông nghiệp Việt Nam (sau đây gọi tắt là Tạp chí) nhận đăng những bài báo thuộc các dạng sau:

      1. Bài báo nghiên cứu gốc (original research paper) hay gọi tắt là bài báo gốc (original paper): là dạng bài báo công bố kết quả nghiên cứu gốc. Một bài báo gốc đăng trên Tạp chí phải đáp ứng được hai yêu cầu cơ bản là: (1) lần đầu tiên công bố kết quả nghiên cứu gốc và (2) viết theo đúng thể thức quy định và có đầy đủ thông tin để đồng nghiệp của tác giả có thể làm lại được nghiên cứu và kiểm tra được kết luận. Dung lượng bài (kể cả bảng, hình, tài liệu tham khảo) không vượt quá giới hạn trong khoảng 6000 từ đối với khối kỹ thuật và trong khoảng 7000 từ đối với khối kinh tế-xã hội.
      2. Bài tổng quan tài liệu (literature review paper) hay gọi tắt là bài tổng quan (review paper): là dạng bài báo tổng hợp những kết quả nghiên cứu đã được công bố về một chủ đề nhất định.Có nhiều loại bài tổng quan khác nhau, trong đó Tạp chí nhận đăng các loại bài tổng quan sau: bài tổng thuật (narrative review), bài tổng quan thông thường (literature review), bài tổng quan hệ thống (systematic review) và bài tổng luận (integrative review).

Bài tổng thuật là dạng bài tổng quan đơn giản, trong đó tác giả mô tả lại một cách khách quan những ý tưởng, những kết quả nghiên cứu về một chủ đề nhất định rút ra từ các bài báo gốc đã xuất bản theo một cách có hệ thống, cô đọng, nhưng không kèm theo những phân tích, nhận xét, đánh giá hay kiến nghị của tác giả biên soạn.

Bài tổng quan thông thường là bài báo trình bày một cách hệ thống những kết quả nghiên cứu đã được công bố về một chủ đề nhất định và có đưa ra những đánh giá về ưu, nhược điểm của của những nghiên cứu trước, cập nhật những tiến triển mới nhất, chỉ ra khoảng trống tri thức hiện tại, cũng như xu hướng và triển vọng nghiên cứu về chủ đề đó trong thời gian tới.

Bài tổng quan hệ thống là bài tổng hợp và đánh giá những bằng chứng thực nghiệm là kết quả của các nghiên cứu đã công bố đáp ứng được các tiêu chí lựa chọn để trả lời một câu hỏi nghiên cứu cụ thể thông qua việc sử dụng các phương pháp nghiên cứu có hệ thống và rõ ràng. Một dạng đặc trưng của tổng quan hệ thống là tổng quan trên cơ sở sử dụng phương pháp thống kê phân tích dữ liệu tổng thể thu thập từ các nguồn đã công bố (meta analysis).

Bài tổng luận là bài nghiên cứu đặc biệt tạo ra kiến thức mới về một chủ đề thông qua việc trình bày một cách hệ thống, toàn diện, cô đọng, logic những thông tin có được từ nhiều tài liệu đã công bố, từ đó dành phần lớn dung lượng để thảo luận nhằm rút ra những kết luận, nhận định có tính khái quát hóa cao, đồng thời đưa ra các kiến giải, kiến nghị, khuyến nghị mang tính định hướng chiến lược về vấn đề nghiên cứu. Các bài tổng luận thường do các nhà khoa học đầu ngành có năng lực tư duy tốt viết theo đặt hàng của Tạp chí.

Dung lượng một bài tổng quan nói chung (kể cả bảng, hình, tài liệu tham khảo) không vượt quá giới hạn 8000 từ đối với khối kỹ thuật và không quá 9000 từ đối với khối kinh tế-xã hội.

      1. Bài thông báo khoa học ngắn (short communication): là bài công bố những kết quả nghiên cứu mới nhưng chưa đủ để cấu thành bài báo gốc hoàn chỉnh. Việc xuất bản những bài thông báo ngắn không loại trừ việc công bố những kết quả đó trong các bài báo gốc đầy đủ về sau. Dung lượng bài thông báo ngắn (kể cả bảng, hình, tài liệu tham khảo) không vượt quá giới hạn 1500 từ.
      2. Thư gửi tòa soạn (Letter to the Editor): là bức thư chính thức gửi cho Ban biên tập để đăng trên Tạp chí nhằm bày tỏ ý kiến thảo luận về một bài báo đã đăng trong Tạp chí hay truyền đạt thông tin, quan điểm về một vấn đề khoa học, công nghệ hay phát triển nào đó trong các lĩnh vực quan tâm của Tạp chí mà có thể thu hút được sự chú ý của độc giả. Đó phải là những ý kiến khách quan và xây dựng. Nếu là ý kiến phản hồi về một bài báo đã đăng thì tác giả bài báo thường được mời phúc đáp chính thức dưới dạng thư phản hồi của tác giả. Dung lượng một bức thư gửi toàn soạn không vượt quá giới hạn 750 từ.
    1. Những nguyên tắc chung viết bài báo khoa học
      1. Chuyển tải thông tin khoa học theo văn phong khoa học, đảm bảo rõ ràng, rành mạch, súc tích với số lượng từ ít nhất có thể và dung lượng không vượt quá giới hạn số lượng từ theo quy định của Tạp chí cho mỗi loại bài báo như đã nêu trên. Quý thầy cô có thể tham khảo template cho bài báo đăng trên Tạp chí Khoa học Nông nghiệp Việt Nam
      2. Hình thức trình bày bài báo tuân thủ Quy định của Tạp chí về về định dạng chi tiết văn bản trong bài báo.
      3. Tất cả các thông tin của người khác mà tác giả sử dụng trong bài đều phải được ghi nguồn trích dẫn (citation) trong nội dung bài (text) và ghi thông tin chi tiết nguồn trong danh mục tài liệu tham khảo cuối bài báo. Việc ghi nguồn trích dẫn và trình bày danh mục tài liệu tham khảo tuân theo Quy định chung của Học viện Nông nghiệp Việt Nam về cách trích dẫn và trình bày tài liệu tham khảo trong bài báo khoa học
      4. Cách trình bày đơn vị tính, công thức và viết tắt trong bài báo tuân thủ Hướng dẫn cách trình bày đơn vị, dấu, công thức và viết tắt trong bài báo khoa học của Tạp chí.
      5. Đảm bảo các chuẩn mực chung về đạo đức nghiên cứu và công bố khoa học liên quan đến tính chân thực (authenticity), tính chuẩn xác (accuracy), tính nguyên gốc (originality), đạo văn (plagiarism), phúc lợi động vật (animal welfare), quyền tác giả (authorship) và xung đột lợi ích (conflict of interests).
      6. Không vi phạm Luật báo chí, Luật xuất bản và các luật pháp hiện hành khác của Nước CHXHCN Việt nam.
      7. Không gửi đăng lại bài báo đã xuất bản hay đã gửi đăng ở tạp chí khác, không gửi bản thảo đồng thời tới nhiều tạp chí. Thủ tục gửi bản thảo bài báo tới Ban biên tập tuân theo Quy định gửi bài báo tới Tạp chí.
    2. Cấu trúc và nội dung bài báo
      1. Bài báo gốc
          1. Cấu trúc chung của bài báo gốc

        Một bài báo gốc có cấu trúc và các phần/mục chính như sau:

        TIÊU ĐỀ

        Tác giả

        TÓM TẮT

        Từ khóa

        Title (dịch TIÊU ĐỀ bài báo sang tiếng Anh)

        ABSTRACTS (dịch bản TÓM TẮT sang tiếng Anh)

        Keywords (dịch các từ khóa sang tiếng Anh).

            1. ĐẶT VẤN ĐỀ
            2. VẬT LIỆU VÀ PHƯƠNG PHÁP hay PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
            3. KẾT QUẢ VÀ THẢO LUẬN (có thể tách riêng KẾT QUẢ và THẢO LUẬN thành hai mục)
            4. KẾT LUẬN

        LỜI CẢM ƠN (nếu có)

        TÀI LIỆU THAM KHẢO

        1. Nội dung viết các phần của bài báo gốc
        • Tiêu đề:Viết ngắn gọn, súc tích, sử dụng thuật ngữ khoa học đại chúng, rõ nghĩa, phản ánh được nội dung chính của bài báo và nên thể hiện được yếu tố mới, sáng tạo của công trình nghiên cứu; không viết tắt; không nên dài quá 20 từ.
        • Tác giả: Ghi tên tác giả kèm theo ghi chú về địa chỉ theo nhóm đơn vị/cơ quan. Viết đầy đủ cả họ và tên, nhưng không ghi chức danh, học vị của (các) tác giả. Tên mỗi tác giả được đánh số mũ tương ứng với số đánh dấu cho cơ quan. Tác giả liên lạc có thêm dấu * bên cạnh số mũ và ghi chú địa chỉ email ở dưới. Thứ tự sắp xếp các tác giả bài báo do nhóm tác giả quyết định, trong đó tác giả đứng đầu tiên được coi là tác giả chính, nhưng có thể không phải là tác giả liên lạc.
        • Tóm tắt:Nêu tóm lược thông tin về mục tiêu, phương pháp nghiên cứu, kết quả chính đã đạt được và kết luận trong một đoạn văn gồm các câu văn liên hoàn mà không tách mục. Tóm tắt cần được viết rõ ràng, súc tích trong giới hạn 250 từ.
        • Từ khoá:Chọn 3-6 từ hay cụm từ ngắn gọn, có ý nghĩa đại diện và liên quan trực tiếp đến nội dung chính của bài báo, nhưng chưa có trong tiêu đề bài báo (để tăng cơ hội tìm thấy khi tra cứu trực tuyến).
        • Đặt vấn đề: Cung cấp bối cảnh, sự cần thiết và cơ sở của công trình nghiên cứu bằng việc tóm tắt tổng quan tài liệu dẫn dắt đến vấn đề nghiên cứu, khoảng trống tri thức hiện tại, câu hỏi nghiên cứu/giả thuyết khoa học và mục tiêu nghiên cứu. Tác giả cũng có thể nêu cách tiếp cận để giải quyết đề, nhưng chưa đi vào phương pháp cụ thể. Nói cách khác, trong mục này tác giả cần trả lời được các câu hỏi quan trọng là: Tại sao cần thực hiện nghiên cứu này? Nghiên cứu này nhằm giải quyết vấn đề gì? Để đạt được mục tiêu gì? và (có thể) bằng cách nào?
        • Vật liệu và phương pháp hay Phương pháp nghiên cứu: Nêu rõ đối tượng nghiên cứu, địa điểm và thời gian nghiên cứu; mô tả chi tiết thiết kế nghiên cứu, cỡ mẫu nghiên cứu, phương pháp chọn mẫu tiêu chuẩn mẫu (nếu là nghiên cứu theo mẫu), vật liệu nghiên cứu và thiết bị chính (ghi rõ nguồn gốc xuất xứ nếu là nghiên cứu trong phòng thí nghiệm); các chỉ tiêu nghiên cứu; phương pháp thu thập thông tin; xử lý và phân tích số liệu (nêu rõ mô hình thống kê và phần mềm đã sử dụng). Các nội dung trong phần này phải viết rõ ràng, chính xác, đầy đủ chi tiết để đồng nghiệp có thể làm lặp lại được. Nếu là phương pháp mới, phải nêu toàn bộ các chi tiết. Nếu các phương pháp nghiên cứu đã được công bố trước đó trong một tạp chí khoa học thì chỉ cần chỉ dẫn nguồn gốc tài liệu tham khảo rõ ràng cho từng phương pháp. Nếu có sự cải biên một phương pháp đã có thì cần ghi rõ thêm chi tiết những cải biên đó. Nếu là phương pháp thường quy thì chỉ cần nêu tên phương pháp.

        Ghi chú: Đối với các nghiên cứu về kinh tế-xã hội có thể không có vật liệu nghiên cứu mà có khung lý thuyết sử dụng cho nghiên cứu.

        • Kết quả: Trình bày các kết quả chính thu được sau khi đã được xử lý và phân tích dữ liệu. Các kết quả cần được trình bày logic với từng nội dung nghiên cứu đã thực hiện, do đó có thể chia thành nhiều mục nhỏ (nhưng không chia thành các tiểu mục quá nhỏ hay các gạch đầu dòng). Kết quả trước hết được trình bày dưới dạng bảng số liệu hay biểu đồ (gọi chung là bảng biểu) và được mô tả bằng lời một cách ngắn gọn trong văn bản (text). Bảng biểu phải được trình bày theo đúng qui định về định dạng của Tạp chí (xem mục…) và phải được đề cập đến trong lời văn. Khi diễn giải các bảng biểu bằng lời văn cần nhấn mạnh hoặc làm nổi bật những kết quả quan trọng và những phát hiện mới, nhưng không viết lại những số liệu đã có trong bảng biểu. Chưa trích dẫn tài liệu tham khảo hay đưa ra các ý kiến thảo luận khi trình bày kết quả.
        • Thảo luận: Thảo luận mang tính chủ quan của tác giả diễn ra sau khi trình bày và mô tả kết quả nghiên cứu. Thảo luận cần được viết trong mục hay những đoạn văn riêng, không viết lẫn với kết quả. Tác giả cần đánh giá có biện luận những kết quả nghiên cứu của mình để trả lời các câu hỏi nghiên cứu, chấp nhận hay bác bỏ giả thuyết đã đề ra. Trong phần này, bên cạnh số liệu của mình tác giả có thể dùng số liệu của đồng nghiệp (lấy từ các tài liệu tham khảo) hoặc là để hỗ trợ cho luận điểm của mình hoặc để làm thông tin nền cho thảo luận. Hơn nữa, tác giả cần biện luận cho những kết quả mới thu được để từ đó dẫn tới các thông điệp mang tính chất công bố những phát hiện mới, ý nghĩa khoa học và/hay thực tiễn của những phát hiện mới đó, ý tưởng định hướng nghiên cứu cho tương lai và/hoặc khuyến nghị ứng dụng thực tiễn. Đồng thời trong phần thảo luận tác giả cũng cần phân tích, nhận biết những hạn chế và tồn tại của nghiên cứu hiện tại, lý giải cách giải quyết và cải thiện.
        • Kết luận: Tóm tắt những phát hiện chính trên cơ sở trả lời các cầu hỏi nghiên cứu, chấp nhận hay bác bỏ các giải thuyết ban đầu hướng tới mục tiêu đề ra; đồng thời đưa ra những suy luận mang tính khái quát hóa từ những phát hiện đó. Trong kết luận của bài báo tác giả cũng nên phác thảo những ứng dụng khả dĩ hay những hàm ý của kết quả nghiên cứu. Cuối cùng tác giả nên đề xuất ý tưởng cho các nghiên cứu trong tương lai nhằm phát triển những phát hiện mới hay để trả lời những câu hỏi nghiên cứu mới nảy sinh từ nghiên cứu hiện tại hay đưa ra những khuyến nghị ứng dụng kết quả nghiên cứu mới vào sản xuất-kinh doanh cũng như những khuyến nghị về chính sách (nếu có). Không đưa ra những “đề nghị” không xuất phát từ chính công trình nghiên cứu hiện tại. Kết luận bài báo chỉ nên viết cô đọng, ngắn gọn trong một đoạn văn hoàn chỉnh.
        • Lời cảm ơn(không bắt buộc): Đây là nơi để tác giả ghi nhận và bày tỏ lời cảm ơn công khai đối với những người và/hay cơ quan, tổ chức đã có đóng góp trong quá trình tiến hành nghiên cứu và/hay viết bài báo. Đó thường là những đóng góp về mặt tư vấn khoa học, hỗ trợ kỹ thuật trong quá trình thực hiện nghiên cứu hay tài trợ cho việc thực hiện công trình nghiên cứu. Không cảm ơn đồng tác giả hay phản biện của bài báo.
        • Tài liệu tham khảo: Tất cả các tài liệu đã trích dẫn trong bài báo đều được liệt kê trong danh mục tài liệu tham khảo và ngược lại. Cách trình bày danh mục tài liệu tham khảo phải tuân theo đúng Quy định chung của Học viện Nông nghiệp Việt Nam về cách trích dẫn và trình bày tài liệu tham khảo trong bài báo khoa học
      1. Bài báo tổng quan
          1. Cấu trúc chung của bài báo

        Cấu trúc của một bài báo tổng quan không hoàn toàn giống như cấu trúc của bài báo gốc. Một bài báo tổng quan thông thường có cấu trúc và các phần/mục chính như sau:

        TIÊU ĐỀ

        Tác giả

        TÓM TẮT

        Từ khóa

        Title (dịch TIÊU ĐỀ bài báo sang tiếng Anh)

        ABSTRACTS (dịch bản TÓM TẮT sang tiếng Anh)

        Keywords (dịch các từ khóa sang tiếng Anh).

            1. ĐẶT VẤN ĐỀ
            2. ĐỀ MỤC NỘI DUNG TỔNG QUAN 1
            3. ĐỀ MỤC NỘI DUNG TỔNG QUAN 2
            4. ĐỀ MỤC NỘI DUNG TỔNG QUAN 3

            1. KẾT LUẬN

        LỜI CẢM ƠN (nếu có)

        TÀI LIỆU THAM KHẢO

        Lưu ý: trong cấu trúc của bài tổng quan nói chung không có mục Vật liệu và phương pháp và mục Kết quả và thảo luận như trong bài báo gốc; cũng không có tên mục Nội dung tổng quan mà thay vào đó là các đề mục phản ánh nội dung được tổng quan. Tuy nhiên, đối với bài tổng quan hệ thống (systematic review) thì cũng có thể có mục Phương pháp nghiên cứu để mô tả phương pháp phân tích dữ liệu tổng quan và khi đó cũng có thể có mục Kết quả và thảo luận nên toàn bài có cấu trúc tương tự như bài báo gốc.

        1. Nội dung viết các phần của bài báo tổng quan
        • Tiêu đề:Viết ngắn gọn (không nên quá 15 từ), súc tích nhưng đủ để phản ánh được chủ đề của bài tổng quan. Tiêu đề nên có từ “tổng quan” để ban biên tập, hệ thống tìm kiếm thứ cấp và độc giả nhận ra dạng bài báo ngay từ đầu. Không dùng từ viết tắt, biệt ngữ hay từ lóng.
        • Tác giả: Ghi tên (các) tác giả kèm theo ghi chú về địa chỉ tương tự như ở bài báo gốc.
        • Tóm tắt:Nêu khái quát về chủ đề và mục đích của bài tổng quan; cách thu thập và xử lý tài liệu; kết quả tổng quan chính và kết luận. Tổng số từ phần tóm tắt không quá 250 từ.
        • Từ khoá: Chọn 3-6 từ hay cụm từ ngắn gọn, có ý nghĩa đại diện và liên quan trực tiếp đến chủ đề tổng quan, nhưng chưa có trong tiêu đề bài báo (để tăng cơ hội tìm thấy khi tra cứu trực tuyến).
        • Đặt vấn đề: Cung cấp bối cảnh và lý do cần quan tâm đến chủ đề cần tổng quan (dựa trên yêu cầu của thực tiễn, những hạn chế hoặc triển vọng của chủ đề nghiên cứu); nêu rõ ý nghĩa của việc tổng quan chủ đề quan tâm (những đóng góp của bài tổng quan này cho việc định hướng trong chuyên ngành); quan điểm, cách tiếp cận của tác giả khi tổng quan vấn đề. Đặt vấn đề cần hướng tới đối tượng độc giả rộng để tối đa hóa lượng người đọc và tầm ảnh hưởng.

        Lưu ý: Đối với các bài tổng quan về các chủ đề thuộc lĩnh vực kinh tế-xã hội, nhất là với những bài tổng quan hệ thống (systematic reviews), thì có thể tách cách tiếp cận thành mục Phương pháp nghiên cứu riêng để mô tả chi tiết hơn các phương pháp nghiên cứu (tài liệu đã công bố).

        • Phần nội dung (thân bài): Nội dung tổng quan được phân thành các mục lớn, trong mỗi mục lớn có thể có các tiểu mục. Tác giả diễn giải bằng lời văn và có thể sử dụng các bảng biểu, sơ đồ, hình ảnh do tác giả xây dựng mới hoặc trích dẫn từ TLTK. Bảng biểu, sơ đồ, hình ảnh phải được trình bày theo đúng qui định của Tạp chí và phải được giới thiệu trong lời văn. Tác giả cần nêu rõ những phát hiện mới quan trọng, ưu tiên những tài liệu được công bố trong thời gian gần nhất so với thời điểm viết bài tổng quan để cập nhật hiện trạng hiểu biết về chủ đề quan tâm. Đối với bài tổng quan thông thường tác giả còn cần phân tích phương pháp nghiên cứu và giá trị của các kết quả thu được trong các công trình khác nhau; làm rõ vấn đề đã được nghiên cứu đến đâu, những gì còn chưa được xem xét (khoảng trống nghiên cứu), những gì còn chưa biết (khoảng trống tri thức hiện tại), những gì còn tranh luận và nếu có thể thì chỉ ra nguyên nhân của hiện trạng vấn đề. Cuối cùng, tác giả cần có ý kiến nhận định và chỉ ra định hướng nghiên cứu về chủ đề đã tổng quan trong tương lai.

        Lưu ý: Đối với những bài tổng quan hệ thống có mục Phương pháp nghiên cứu riêng thì phần nội dung tổng quan có thể viết theo các tiểu mục dưới tiêu đề của một mục lớn là Kết quả và thảo luận tương tự như đối với một bài báo gốc.

        • Kết luận: Nêu rõ bài tổng quan đã cung cấp được những thông tin gì? Có đạt được mục tiêu đề ra của bài tổng quan hay không? Triển vọng và định hướng nghiên cứu tiếp về chủ đề đó như thế nào?
        • Lời cảm ơn: Tác giả ghi lời cảm ơn sự giúp đỡ của cá nhân, tập thể, đề tài, cơ quan và/hoặc tổ chức đã hỗ trợ để thực hiện bài tổng quan.
        • Tài liệu tham khảo: Tất cả các tài liệu đã trích dẫn trong bài báo đều được liệt kê trong danh mục tài liệu tham khảo và ngược lại. Cách trình bày danh mục tài liệu tham khảo phải tuân theo đúng Quy định chung của Học viện Nông nghiệp Việt Nam về cách trích dẫn và trình bày tài liệu tham khảo trong bài báo khoa học.
      2. Bài thông báo khoa học ngắn
        1. Cấu trúc chung của bài thông báo ngắn

Bài thông báo ngắn có cấu trúc tương tự như bài báo gốc, nhưng không có mục VẬT LIỆU VÀ PHƯƠNG PHÁP hay PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU.

        1. Nội dung viết các phần của bài thông báo ngắn:

Nội dung viết các phần cũng tương tự như bài báo gốc, nhưng ngắn gọn hơn. Bài viết chủ yếu là để thông báo kết quả nghiên cứu sơ bộ (nhưng có giá trị) nên cần hạn chế dùng nhiều bảng biểu. Việc thảo luận cũng nên hạn chế với ít tài liệu tham khảo.

      1. Thư gửi Toà soạn

Thư gửi Tòa soạn Tạp chí có thể thức gần như một bức thư chính thức thông thường với định dạng cơ bản như sau:

THƯ GỬI TÒA SOẠN

Tạp chí Khoa học Nông nghiệp Việt Nam

­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­_____________________________________________________________________

…….…., ngày …… tháng.…. năm …….

Người gửi: ……………………………………….

Địa chỉ: …………………………………

Nơi nhận: Ban Biên tập

Tạp chí Khoa học Nông nghiệp Việt Nam

Học viện Nông nghiệp Việt Nam

Trâu Quỳ, Gia Lâm, Hà Nội

Chủ đề: ………………………………………………………………

 

Kính gửi Tổng biên tập Tạp chí

[MỞ ĐẦU]: Giới thiệu mục đích của việc viết thư.

[NỘI DUNG]: Trình bày vấn đề và những ý kiến cụ thể của cá nhân xung quanh vấn đề đó.

[KẾT LUẬN]: Tóm tắt nội dung đã viết và quan điểm chính; có thể kèm theo đề nghị hướng giải quyết vấn đề.

Kính thư

Ký tên

Tên người gửi



BÌA TẠP CHÍ KHNNVN