Bài chờ đăng - Tạp chí Khoa học Nông nghiệp Việt Nam

Bài chờ đăng

Đăng ngày:12/09/ 2023

KHẢO SÁT ẢNH HƯỞNG CỦA GIÁ THỂ ĐẾN SINH TRƯỞNG VÀ PHÁT TRIỂN CẢI BẸ XANH,
CẢI THÌA, CẢI  BẸ CÙI TRỒNG THEO PHƯƠNG PHÁP THUỶ CANH HỒI LƯU TRONG ĐIỀU KIỆN NHÀ MÀNG

Sơn Thị Thanh Nga

 Khoa Nông nghiệp – Thuỷ sản, Trường Đại học Trà Vinh

Tóm tắt:

Nghiên cứu được thực hiện năm 2020 tại nhà rau thuỷ canh thuộc Khoa Nông nghiệp – Thuỷ sản – Trường Đại học Trà Vinh nhằm xác định giá thể phù hợp cho sự sinh trưởng và phát triển của một số giống cải được trồng theo phương pháp thuỷ canh hồi lưu. Thí nghiệm được bố trí theo kiểu hoàn toàn ngẫu nhiên một nhân tố gồm 5 nghiệm thức và 5 lần lặp lại. Giá thể dùng để thực hiện thí nghiệm gồm mùn dừa và phân bò đã ủ 8 tháng được phối trộn với tỉ lệ khác nhau, mút xốp được sử dụng làm đối chứng. Các giống cây cải được trồng gồm cải bẹ xanh (Brassica Juncea L.), cải thìa (Brassica chinensis L.) và cải bẹ cùi (Brasica Juncea L.) để khảo sát về số lá, chiều cao cây, khối lượng thân và khối lượng rễ tươi. Kết quả cho thấy cây đạt số lá, chiều cao cây, khối lượng thân tươi cao nhất khi cây được trồng trên giá thể phối trộn 75% mùn dừa + 50% phân chuồng. Cụ thể cải bẹ xanh là 11,4 lá; cải thìa có 21,8 lá và cải bẹ cùi là 9,6 lá, về chiều cao cây đối với cải bẹ xanh là 31,4 cm; cải thìa đạt 31,2 cm và cải bẹ cùi là 34,5 cm, khối lượng thân, tươi cải bẹ xanh là 167,8 gram; cải thìa 198,6 gram và cải bẹ cùi là 268,4 gram.

Từ khóa: Giá thể, rau cải, thuỷ canh.


PHÂN LẬP VÀ TUYỂN CHỌN VI KHUẨN LACTIC ỨNG DỤNG TRONG
LÊN MEN SỮA CHUA ĐẬU TƯƠNG

Trần Thị Định1*, Thân Thị Hương1, Nguyễn Thị Hoàng Lan1, Lê Minh Nguyệt1, Đặng Thu Hương2, Nguyễn Thị Minh3

1Khoa Công nghệ thực phẩm, Học viện Nông nghiệp Việt Nam
2Bộ môn Công nghệ sinh học vi sinh, Viện Công nghiệp thực phẩm
3Khoa Tài Nguyên – Môi Trường, Học viện Nông nghiệp Việt Nam

Tóm tắt:

Nghiên cứu được tiến hành nhằm phân lập, tuyển chọn chủng vi khuẩn lactic ứng dụng cho lên men sữa chua đậu tương. Từ 17 nguồn mẫu lên men tự nhiên, 51 chủng vi khuẩn lactic được phân lập, tất cả các chủng đều có khả năng lên men sữa đậu tương. Từ kết quả phân tích chất lượng sữa chua, 10 chủng vi khuẩn tiềm năng nhất được sàng lọc. Kết quả định danh bằng phương pháp MALDI-TOF/MS cho thấy 10 chủng vi khuẩn này thuộc 3 loài Enterococcus faecium, Lactococcus lactis,Streptococcus equinus, trong đó, chủng vi khuẩn Lactococcus lactis K1 là chủng được đánh giá tốt nhất cho lên men sữa chua đậu tương vì sở hữu những đặc điểm nổi trội như khả năng sinh trưởng, phát triển mạnh, đảm bảo an toàn sinh học, và lên men sữa chua có chất lượng tốt, đặc biệt chủng vi khuẩn có khả năng sinh hàm lượng exopolyscharide rất cao (1381,7 mg/kg). Sữa chua đậu tương bước đầu nhận được sự ưa thích của người tiêu dùng.

Từ khóa: Vi khuẩn lactic, đặc tính sinh hóa, sữa chua đậu tương.


ĐÁNH GIÁ KHẢ NĂNG GÂY BỆNH CỦA VI KHUẨN Streptococcus agalactiae SEROTYPE Ia và III TRÊN CÁ RÔ PHI TRONG ĐIỀU KIỆN THỰC NGHIỆM

Đoàn Thị Nhinh1,4, Nguyễn Vũ Sơn2, Đặng Thị Hóa1,  Nguyễn Thị Thuý Hằng3, Ngô Phú Thoả1, Nguyễn Thị Hương Giang2, Kim Văn Vạn1, Đặng Thị Lụa4, Trương Đình Hoài1*

1Khoa Thủy sản, 2Khoa Thú y, Học viện Nông nghiệp Việt Nam
3Trường Cán bộ quản lý nông nghiệp và phát triển nông thôn
4Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản I

Tóm tắt:

Nghiên cứu được thực hiện nhằm đánh giá khả năng gây bệnh của vi khuẩn Streptococcus agalactiae serotype Ia và III trên cá rô phi. Để thực hiện nghiên cứu 10 chủng S. agalactiae phân lập tại miền Bắc năm 2022 được lựa chọn ngẫu nhiên để định danh bằng phương pháp sinh hoá, giám định bằng PCR và sử dụng kỹ thuật multiplex PCR để xác định kiểu serotype. Kết quả cho thấy trong số 10 chủng vi khuẩn đinh danh được, có 7 chủng thuộc S. agalactiae thuộc serotype Ia (ST Ia) và 3 chủng thuộc serotype III (ST III). Kết quả cảm nhiễm trên cá rô phi cho từng serotype cho thấy chủng ST III gây chết sớm và nhanh hơn so với serotype Ia, tuy nhiên tỷ lệ chết tích luỹ sau 14 ngày theo dõi không có sự khác biệt giữa hai serotype. Giá trị LD50 của chủng ST Ia và ST III lần lượt là 2,5 × 104 CFU/cá và 1,9 × 104 CFU/cá. Kết quả đánh giá triệu chứng, bệnh tích đại thể và biến đổi mô học trên cá cảm nhiễm chủng ST Ia và ST III không có sự khác biệt đáng kể. Đây là nghiên cứu đầu tiên xác định sự có mặt của serotype Ia và III gây bệnh trên cá rô phi và đánh giá khả năng gây bệnh trong điều kiện thực nghiệm.

Từ khóa: Streptococcus agalactiae, serotype, đặc điểm bệnh lý, rô phi, Việt Nam.


ẢNH HƯỞNG CỦA GIÁ THỂ VÀ HOM GIÂM ĐẾN KHẢ NĂNG NHÂN GIỐNG
CÂY HỒ TIÊU (Piper nigrum L.)

Nguyễn Thị Loan*, Lục Thị Quyên

Khoa Nông học, Học viện Nông nghiệp Việt Nam

Tóm tắt:

Nghiên cứu nhằm xác định giá thể và hom giống (số đốt/hom) phù hợp cho nhân giống hồ tiêu tại huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông. Thí nghiệm hai nhân tố được thiết kế trong vườn ươm theo khối ngẫu nhiên đầy đủ với 3 lần nhắc lại. Nhân tố thứ nhất là 5 loại giá thể (G1: 100% đất đỏ bazan (đất); G2: 60% đất + 40% xơ dừa; G3: 60% đất + 20% xơ dừa + 20% phân trùn quế; G4: 60% đất + 40% đá perlite; G5: 60% đất + 20% đá perlite + 20% phân trùn quế). Nhân tố thứ hai là 3 loại hom giống (H1: hom 2 đốt; H2: hom 3 đốt; H3: hom 4 đốt). Kết quả cho thấy, sử dụng xơ dừa và phân trùn quế để phối trộn giá thể và hom có số đốt cao hơn làm tăng tỷ lệ sống, tỷ lệ bật chồi, giúp rễ hom phát triển thuận lợi và kích thích sinh trưởng của hom, đồng thời làm tăng tích lũy chất khô ở rễ và thân cành cây giống hồ tiêu. Trồng hom 4 đốt trên giá thể từ 60% đất + 20% xơ dừa + 20% phân trùn quế cho tỷ lệ sống, tỷ lệ bật chồi, sinh trưởng và sinh khối cây giống hồ tiêu tốt nhất.

Từ khóa: Nhân giống hồ tiêu, giá thể, số đốt/ hom giống.


MỘT SỐ CHỈ SỐ HUYẾT HỌC Ở BÒ SỮA HOLSTEIN FRIESIAN NHIỄM THEILERIA SPP. TẠI TỈNH HÀ NAM

Nguyễn Thị Hồng Chiên1*, Hoàng Thanh Trúc2, Nguyễn Văn Dương1, Bùi Thị Tố Nga1, Đào Lê Anh1, Nguyễn Văn Thành1, Nguyễn Đức Trường1Nguyễn Thị Hoàng Yến1

1Khoa Thú Y – Học viện Nông Nghiệp Việt Nam
2Trung tâm bảo tồn động vật hoang dã tại Việt Nam

Tóm tắt:

Nghiên cứu đã phát hiện được Theileria spp. trên bò sữa nuôi tại tỉnh Hà Nam. Trong số 190 mẫu máu bò HF thu thập từ các huyện Duy Tiên, Kim Bảng, Lý Nhân  xét nghiệm bằng phương pháp nhuộm giemsa cho thấy có 26 mẫu bị nhiễm Theileria spp., chiếm tỷ lệ 13,68%. Đánh giá chỉ số huyết học của bò sữa trên 2 năm tuổi nhiễm Theileria spp. cho thấy số lượng hồng cầu (RBC), số lượng huyết sắc tố (Hb) trong máu giảm nhẹ; chỉ số về tổng lượng bạch cầu (WBC) tăng đáng kể và các loại bạch cầu trung tính, bạch cầu Lympho và bạch cầu Mono đều tăng nhẹ lượng tiểu cầu (PLT) giảm mạnh. Kết quả nghiên cứu đã chỉ ra có sự thay đổi chỉ số huyết học của những bò nhiễm Theileria spp. Kết quả đã cung cấp cơ sở tiền đề cho việc ứng dụng xét nghiệm máu trong chẩn đoán, tiên lượng và điều trị bò nhiễm Theileria spp.

Từ khóa: Theileria spp., bò, chỉ số huyết học.


XÁC ĐỊNH LOCUS KIỂU GIAO PHỐI Ở NẤM CORDYCEPS MILITARIS BẰNG KỸ THUẬT MULTIPLEX PCR

Nguyễn Minh Lý1*, Võ Bá Duy1, Đinh Xuân Tú2*

1Khoa Sinh-Môi trường, Trường Đại học Sư phạm – Đại học Đà Nẵng
2Trung tâm Ươm tạo và Hỗ trợ doanh nghiệp khoa học và công nghệ

Tóm tắt:

Cordyceps militaris là một loại nấm dược liệu có giá trị cao. Hiện nay, trong công tác chọn tạo giống nấm C. militaris việc xác định các locus kiểu giáo phối (MAT) có ý nghĩa quan trọng. Để nâng cao hiệu quả, rút ngắn thời gian và giảm chi phí định danh các locus này có thể sử dụng phản ứng Multiplex PCR. Trong nghiên cứu này, đã tiến hành thiết kế và đánh giá hiệu quả của các đoạn mồi của phản ứng Multiplex PCR. Dựa trên trình tự của 2 locus kiểu giao phối MAT1-1 (AB194982) và MAT1-2 (AB084257) đã thiết kế cho ra 5 cặp mồi mới cho gen MAT1-1-1, MAT1-1-2, MAT1-2-1. Căn cứ kết quả phân tích in silico bằng công cụ Multiple Primer Analyzer và thực nghiệm PCR với 2 giống nấm được thu thập tại Việt Nam và 2 bào tử đơn được phân lập từ chúng, 3 mồi MAT1-1-1-MUL, MAT1-1-2-MUL và MAT1-2-1-MUL tổng hợp được các sản phẩm PCR có kích thước lần lượt khoảng 527bp; 323bp và 222bp và có tính đặc hiệu cao trong việc xác định các gen kiểu giao phối ở nấm C. militaris.

Từ khóa: Chỉ thị phân tử, Cordyceps militaris; MAT; Multiplex PCR.


KHẢO SÁT TỶ LỆ NHIỄM VIRUS CIRCO TRÊN CHÓ TẠI KHU VỰC HÀ NỘI

Nguyễn Mạnh Tường1*, Nguyễn Thị Thanh Hà1, Nguyễn Thành Trung1, Đàm Văn Phải1, Phạm Thị Lan Hương1, Nguyễn Đức Hoàng Nam2

1Bộ môn Nội – Chẩn – Dược, Khoa Thú y, Học viện Nông nghiệp Việt Nam
2Lớp K62TYF, Khoa Thú Y, Học viện Nông nghiệp Việt Nam

Tóm tắt:

Mục tiêu của nghiên cứu này là xác định được tỷ lệ nhiễm virrus Circo trên đàn chó nuôi tại khu vực Hà Nội. Tổng số 180 mẫu swab từ chó khoẻ mạnh và chó mắc bệnh trên hệ tiêu hoá, hệ hô hấp và hệ tiết niệu – sinh dục đã được thu thập tại các phòng khám thú y trên địa bàn thành phố Hà Nội để xác định tỷ lệ nhiễm của virus circo bằng phương pháp PCR. Kết quả cho thấy 2/90 (2,2%) mẫu chó khoẻ mạnh phát hiện sự có mặt của virus, tập trung ở nhóm chó từ 3 tháng đến 1 năm tuổi và trên 1 năm tuổi. Ở nhóm chó ốm, virus cũng được phát hiện trong mẫu bệnh phẩm chiếm tỷ lệ 8,9% (8/90), trong đó, chó mắc bệnh đường tiêu hoá có tỷ lệ nhiễm cao nhất là 16,7% (5/30), tiếp đến là nhóm chó mắc bệnh trên đường hô hấp là 6,7% (2/30). Nhóm chó mắc bệnh tiết niệu – sinh dục cũng phát hiện với 1 mẫu dương tính với tỷ lệ là 3,3%. Như vậy, virus circo đã được xác định ở cả chó khoẻ mạnh cũng như chó mắc các vấn đề về tiêu hoá, hô hấp, tiết niệu – sinh dục tại Việt Nam. Mặc dù tỷ lệ nhiễm virus Circo trong nhóm chó bệnh cao hơn nhóm chó khoẻ nhưng vai trò của virus trong việc gây ra các vấn đề về sức khoẻ của đàn chó hiện vẫn chưa được làm sáng tỏ.

Từ khóa:Virus circo, Circovirus, Chó, PCR, Hà Nội.


ĐÁNH GIÁ SINH TRƯỞNG VÀ PHÁT TRIỂN CỦA MỘT SỐ GIỐNG HOA ĐỒNG TIỀN (Gerbera jamesonii) CÓ NGUỒN GỐC NUÔI CẤY MÔ THEO HƯỚNG TRỒNG CHẬU TẠI GIA LÂM, HÀ NỘI

Phạm Thị Huyền Trang 1, Phùng Thị Thu Hà 1*

1 Khoa Nông học – Học viện Nông nghiệp Việt nam

Tóm tắt:

Đồng tiền là một trong những loại hoa cắt cành với màu sắc và chủng loại đa dạng, có giá trị cao cả ở thị trường trong nước và thế giới. Nghiên cứu này nhằm đánh giá sinh trưởng và phát triển của 4 giống hoa Đồng tiền (Đỏ, Hồng phấn, Cam, Vàng) có nguồn gốc từ nuôi cấy mô tại Gia Lâm – Hà Nội. Thí nghiệm được bố trí theo khối ngẫu nhiên đầy đủ. Kết quả nghiên cứu đã cho thấy, ở giai đoạn vườn ươm, bốn giống hoa Đồng tiền có tỷ lệ sống từ 83,33 – 100%, với số lá đạt 6,9 – 8,3 lá/cây và chiều cao cây đạt 6,44 – 7,28 cm sau 1,5 tháng ở vườn ươm. Ở giai đoạn vườn sản xuất, tỷ lệ sống của cả bốn giống hoa Đồng tiền đều đạt 100%, với số lá mới từ 9,5 – 11,5 lá/cây và chiều cao cây đạt 26,95 – 34,05 cm sau 3,5 tháng. Đường kính cuống cụm hoa từ 5,55 – 6,13 mm, chiều cao cuống cụm hoa từ 39,67 – 46,14 cm. Đường kính hoa khi nở căng đạt 8,65 – 9,41 cm. Độ bền của hoa từ khi ra nụ đến khi hoa tàn là 29,20 – 31,70 ngày. Thời gian từ khi hoa nở căng cho đến khi hoa tàn là 8,80 – 12,40 ngày. Cả bốn giống hoa Đồng tiền nghiên cứu đều sinh trưởng, phát triển tốt và ít bị ảnh hưởng bởi sâu bệnh hại, thích hợp để trồng tại Gia Lâm – Hà Nội.

Từ khóa: Độ bền hoa, Hoa Đồng tiền, Nuôi cấy mô, Phát triển, Sinh trưởng.


CÁC YẾU TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN SỰ HÀI LÒNG TRONG CÔNG VIỆC CỦA NGƯỜI LAO ĐỘNG TẠI TRUNG TÂM THƯƠNG MẠI DABACO BẮC NINH

Lê Thị Kim Oanh, Đào Hồng Vân, Trần Thị Thanh Huyền, Nguyễn Ngọc Mai

Khoa Kế toán và Quản trị kinh doanh, Học viện Nông nghiệp Việt Nam

Tóm tắt:

Nghiên cứu này nhằm phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến sự hài lòng trong công việc của người lao động tại Trung tâm thương mại Dabaco Bắc Ninh. Cronbach’s alpha, EFA, phân tích hồi quy bội được sử dụng phân tích số liệu thông qua điều tra 307 lao động. Kết quả đã chỉ ra rằng có 1 yếu tố không ảnh hưởng đến sự hài lòng trong công việc của người lao động. Trong khi đó có 6 yếu tố ảnh hưởng đến sự hài lòng trong công việc của người lao động tại Trung tâm thương mại Dabaco Bắc Ninh theo thứ tự giảm dần như sau: đặc điểm công việc, môi trường làm việc, thu nhập, mối quan hệ với cấp trên, niềm tin vào tổ chức, mối quan hệ với đồng nghiệp. Trên cơ sở đó nghiên cứu đề xuất một số giải pháp nhằm tăng sự hài lòng của người lao động trong công việc bao gồm: tạo sự hứng thú trong công việc; cải thiện môi trường làm việc; thực hiện chế độ lương thưởng công bằng, trợ cấp hợp lí; tạo mối quan hệ tốt đẹp với đồng nghiệp và cấp trên; tăng cường niềm tin của người lao động vào tổ chức.

Từ khóa: Yếu tố ảnh hưởng, sự hài lòng, công việc, người lao động.


NGHIÊN CỨU BỆNH VI BÀO TỬ TRÙNG ENTEROCYTOZOON HEPATOPENAEI (EHP) TRÊN TÔM THẺ CHÂN TRẮNG NUÔI TẠI QUẢNG NINH VÀ NAM ĐỊNH

Trương Đình Hoài1*, Đặng Thị Hóa1, Xa Đức Bình1, Mai Văn Thương1, Nguyễn Thị Thúy Hồng1, Hoàng Thị Thùy Linh1, Trần Thị Diễm Quỳnh1, Trần Thị Trinh1, Đoàn Thị Nhinh1, Lê Việt Dũng1, Kim Văn Vạn1, Trương Hồng Việt2

1Khoa Thủy sản, Học viện Nông nghiệp Việt Nam
2Viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản II

Tóm tắt:

Nghiên cứu này nhằm xác định tình hình dịch bệnh và đặc điểm bệnh do vi bào tử trùng (EHP) gây ra trên tôm thẻ chân trắng tại các vùng nuôi tập trung ở phía Bắc. Kết quả kiểm tra mẫu tôm thu tại 85 hộ nuôi ở 2 tỉnh Nam Định và Quảng Ninh đã xác định được mẫu tôm từ 33 hộ (38,8%) dương tính với EHP bằng phương pháp PCR. Kết quả tổng hợp dấu hiệu tôm mắc bệnh (n = 215) cho thấy tôm nhiễm bệnh do vi bào tử trùng phân đàn, chậm lớn (81,8%), đục cơ, ốp thân, xuất hiện “hạt gạo” kích thước lớn hơn bình thường ở đốt đuôi (85,1%). Tôm bệnh còn xuất hiện một số dấu hiệu ruột xoắn, ruột không lấp đầy thức ăn. Kết quả nhuộm Giemsa từ mẫu tôm bệnh cho thấy vi bào tử EHP tập trung trong các cơ quan gan tụy, phần cơ đục và “hạt gạo” ở đốt đuôi của tôm. Tôm nhiễm bệnh xuất hiện chủ yếu vào các giai đoạn nuôi từ 30 – 60 ngày sau khi thả, chiếm tỷ lệ 78,7%. Kết quả nghiên cứu này góp phần hỗ trợ công tác chẩn đoán và cung cấp thông tin để đề ra biện pháp phòng ngừa hiệu quả bệnh EHP trên tôm.

Từ khóa: Vi bào tử trùng, tôm thẻ chân trắng, tỷ lệ nhiễm, dấu hiệu bệnh lý, miền Bắc Việt Nam.


CÁC YẾU TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN NĂNG LỰC LÃNH ĐẠO CỦA GIÁM ĐỐC DOANH NGHIỆP NHỎ VÀ VỪA TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI

Trần Thị Thanh Huyền 1,2*, Nguyễn Quốc Chỉnh 2, Trần Hữu Cường2

1Nghiên cứu sinh, Học viện Nông nghiệp Việt Nam
2Khoa Kế toán và Quản trị kinh doanh, Học viện Nông nghiệp Việt Nam

Tóm tắt:

Mục đích của nghiên cứu là phân tích các yếu tố ảnh hưởng tới năng lực lãnh đạo của giám đốc doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn thành phố Hà Nội. Nghiên cứu tiến hành điều tra 225 giám đốc doanh nghiệp nhỏ và vừa cùng 225 cấp dưới của họ dựa trên cơ sở số biến trong mô hình áp dụng, tỷ lệ biến/quan sát và cơ cấu doanh nghiệp nhỏ và vừa theo ngành. Phương pháp phân tích nhân tố khám phá và phân tích hồi quy nhóm được sử dụng để nhận diện các yếu tố ảnh hưởng. Mức độ ảnh hưởng của từng yếu tố được đánh giá bằng thang đo Likert 5 mức độ. Kết quả nghiên cứu cho thấy các yếu tố thuộc bản thân giám đốc doanh nghiệp, đặc  điểm của cấp dưới, đặc điểm của doanh nghiệp và đặc điểm môi trường vĩ mô ảnh hưởng cùng chiều tới năng lực lãnh đạo của giám đốc doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Từ khóa:năng lực lãnh đạo, giám đốc, doanh nghiệp nhỏ và vừa.


Ảnh hưởng của hàm lượng khoáng lên khả năng hình thành bào tử và chịu nhiệt CỦA CHỦNG Bacillus subtilis CM3.1 trong in vitro

Phạm Thị Tuyết Ngân, Vũ Hùng Hải và Huỳnh Trường Giang

Trường Thủy sản, Trường Đại học Cần Thơ

Tóm tắt:

Nghiên cứu nhằm đánh giá ảnh hưởng của các khoáng chất như canxi (Ca2+), kali (K⁺), mangan (Mn2+), magie (Mg2+) và sắt (Fe2+) lên khả năng hình thành bào tử và chịu nhiệt của Bacillus subtilis CM3.1 trong điều kiện in vitro. Bào tử của Bacillus được nuôi trong môi trường dinh dưỡng sinh bào tử bổ sung các nồng độ khoáng chất khác nhau.  Sau 7 ngày nuôi, bổ sung riêng biệt các khoáng chất Ca2+ (1 mM), Mg2+ (3 mM), Mn2+ (1 mM) và Fe2+ (1 mM) vào môi trường Nutrient Broth (NB) gia tăng đáng kể mật độ bào tử Bacillus subtilis CM3.1, ngoại trừ K+ (10 mM). Hơn nữa, mật độ và tỉ lệ sống của bào tử vi khuẩn nuôi trong các môi trường bổ sung khoáng chất như m-NB, SSM và m-SM cao hơn có ý nghĩa (p<0.05) so với môi trường NB sau thời gian xử lý nhiệt, đặc biệt là ở thời điểm 30 và 40 phút. Kết quả trong nghiên cứu cho thấy cái nhìn sâu sắc về tầm quan trọng của các khoáng chất khi bổ sung vào môi trường giúp nâng cao mật độ, khả năng chịu nhiệt của bào tử Bacillus, qua đó tăng độ ổn định của loài Bacillus subtilis CM3.1 trong quá trình bảo quản và sản xuất probiotic.

Từ khóa: Bacillus, hình thành bào tử, khoáng chất, khả năng chịu nhiệt, mật độ.


GIẢI PHÁP NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG ĐÀO TẠO KỸ NĂNG MỀM TẠI HỌC VIỆN NÔNG NGHIỆP VIỆT NAM

Ngô Trí Dương1, Nguyễn Thị Thu Huyền1, Lê Thị Quỳnh Trang1, Nguyễn Minh Đức2, Nguyễn Thọ Quang Anh2 *

1Trung tâm Đào tạo kỹ năng mềm – Học viện Nông nghiệp Việt Nam
2Khoa Kinh tế và Phát triển nông thôn – Học viện Nông nghiệp Việt Nam

Tóm tắt:

Kỹ năng mềm được cho là kỹ năng quyết định tới thành công của con người. Việc giảng dạy kỹ năng mềm trong trường đại học giúp sinh viên nâng cao kỹ năng cần thiết cho cuộc sống và công việc. Nghiên cứu này với mục tiêu đánh giá thực trạng chất lượng đào tạo kỹ năng mềm tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam từ đó đưa ra giải pháp nâng cao chất lượng đào kỹ năng mềm. Nghiên cứu sử dụng số liệu điều tra từ 493 sinh viên, 23 giảng viên và 32 nhà tuyển dụng, phương pháp thống kê mô tả là phương pháp phân tích chính để phân tích thực trạng và các yếu tố ảnh hưởng đến nâng cao chất lượng đào tạo kỹ năng mềm. Qua nghiên cứu cho thấy Học viện Nông nghiệp Việt Nam đào tạo kỹ năng mềm từ năm 2016 với 10 kỹ năng theo chuẩn đầu ra. Qua 6 năm đã đào tạo được hơn 61 nghìn lượt sinh viên. Qua đánh giá của nhà tuyển dụng, giáo viên, sinh viên thì 70% số người được hỏi đều đánh giá tốt và rất tốt về chất lượng đào tạo kỹ năng mềm. Tuy nhiên để nâng cao hơn nữa chất lượng đào tạo kỹ năng mềm tại Học viện cần tập trung vào các giải pháp về chương trình, tổ chức đào tạo, đánh giá, cơ sở vật chất, giáo viên giảng dạy, phương pháp giảng dạy, các chính sách, tài chính từ đó có thể nâng cao chất lượng đào tạo.

Từ khóa: kỹ năng mềm, nâng cao chất lượng, Học viện Nông nghiệp Việt Nam.


ĐÁNH GIÁ ĐA DẠNG DI TRUYỀN CỦA NGUỒN GEN NGÔ NẾP VÀNG DỰA TRÊN KIỂU HÌNH VÀ CHỈ THỊ PHÂN TỬ SSR

Nguyễn Trung Đức1*, Phạm Quang Tuân1, Nguyễn Thị Nguyệt Anh1, Nguyễn Quốc Trung2, Lê Thị Tuyết Châm3, Vũ Văn Liết3

1Viện Nghiên cứu và Phát triển cây trồng, Học viện Nông nghiệp Việt Nam
2Khoa Công nghệ Sinh học, Học viện Nông nghiệp Việt Nam
3Khoa Nông học, Học viện Nông nghiệp Việt Nam

Tóm tắt:

Nghiên cứu này tiến hành nhằm đánh giá đa dạng di truyền của 15 nguồn gen ngô nếp vàng cùng 3 dòng đối chứng dựa trên 18 đặc điểm nông học và 14 chỉ thị SSR. Thí nghiệm đồng ruộng được bố trí theo khối ngẫu nhiên đầy đủ với ba lần nhắc lại trong vụ Xuân 2022 tại Hà Nội. Kết quả cho thấy năng suất cá thể có tương quan thuận và rất chặt ở giá trị p <0,01 với đường kính bắp (r = 0,72), khối lượng 100 hạt (r = 0,62) và số hạt/hàng (r = 0,61). Tổng lượng chất rắn hòa tan có tương quan nghịch p < 0,01 với độ dày vỏ hạt
(r = -0,62). Phân tích thành phần chính cho thấy tất cả 18 tính trạng nông học đều có thể được sử dụng để phân nhóm đa dạng di truyền. Chỉ số PIC biến động từ 0,10 (phi072 phi1277) đến 0,32 (phi2276). Nguồn gen ngô được phân thành 3 nhóm có hệ số tương đồng 45,3 dựa trên kiểu hình và thành 6 nhóm ở hệ số tương đồng 0,21 dựa trên chỉ thị SSR. Bảy dòng ngô nếp vàng gồm YW01, YW03, YW4, YW7, YW12, YW13, YW14 và 2 dòng đối chứng SWsyn1, UV có sự phân nhóm tương đồng về kiểu hình và kiểu gen. Dựa trên chỉ số MGIDI với áp lực chọn lọc 40% đã chọn được 5 nguồn gen triển vọng gồm YW10, YW13, YW12, YW07 và YW01.

Từ khóa: ngô nếp vàng, kiểu hình, chỉ thị SSR, tương quan, phân tích thành phần chính.


ẢNH HƯỞNG CỦA TUỔI GIẾT THỊT ĐẾN NĂNG SUẤT THÂN THỊT VÀ CHẤT LƯỢNG THỊT CỦA
GÀ [RI × (RI × LƯƠNG PHƯỢNG)] NUÔI BẰNG KHẨU PHẦN BỔ SUNG THẢO DƯỢC

Nguyễn Công Oánh*, Nguyễn Thị Phương, Nguyễn Thương Thương, Phạm Kim Đăng

Khoa Chăn nuôi, Học viện Nông nghiệp Việt Nam

Tóm tắt:

Nghiên cứu được tiến hành tại trại gà thuộc huyện Sóc Sơn Hà Nội từ tháng 3 đến tháng 8 năm 2022 nhằm đánh giá năng suất và chất lượng thịt của gà [Ri × (Ri × Lương Phượng] nuôi bằng khẩu phần ăn bổ sung thảo dược. 30 gà thịt được giết mổ tại 3 thời điểm (15, 20 và 25 tuần tuổi), 10 gà (5 trống và 5 mái)/thời điểm để đánh giá. Kết quả cho thấy, tuổi giết mổ ảnh hưởng đến khối lượng kết thúc, tỷ lệ thân thịt, khối lượng và tỷ lệ nội tạng (mề, gan, mỡ bụng,…) (P <0,05) và các giá trị tăng dần theo tuổi. Giới tính ảnh hưởng đến hầu hết các chỉ tiêu năng suất thân thịt (P <0,05) và trống cao hơn mái, ngoại trừ chỉ tiêu thịt lườn và mỡ bụng ở mái cao hơn trống. Tuổi giết mổ ảnh hưởng đến độ dai, màu sắc (L*, a*, b*) thịt lườn và tỷ lệ mất nước bảo quản thịt đùi (P <0,05), giá trị a* và độ dai tăng trong khi L* giảm theo tuổi. Giới tính ảnh hưởng đến pH24, tỷ lệ mất nước bảo quản và giá trị b* thịt đùi (P <0,05). Hơn nữa, tuổi giết mổ ảnh hưởng đến VCK, protein, lipit và khoáng (P <0,05), trong đó hàm lượng protein tăng và lipit giảm theo tuổi. Hàm lượng cholesterol bị ảnh hưởng bởi giới tính (P <0,05), mái cao hơn trống.

Từ khóa: Chất lượng thịt, cholesterol, gà [Ri × (Ri × Lương Phượng)], năng suất thân thịt, thảo dược.


ĐÁNH GIÁ TÁC DỤNG CỦA CHẾ PHẨM THẢO DƯỢC PREMIXHAD VÀ DOXYCYCLINE ĐẾN TỶ LỆ CHUYỂN HÓA THỨC ĂN VÀ KÍCH THƯỚC LÔNG NHUNG RUỘT NON TRÊN CHUỘT NHẮT TRẮNG (SWISS ALBINO)

Hoàng Trung Hưng1,2, Vũ Văn Cường1, Nguyễn Thị Minh Phương1, Đỗ Văn Hiếu3, Nguyễn Bá Tiếp1*

1Khoa Thú y, Học Viện Nông nghiệp Việt Nam
2Viện Kiểm định Quốc gia vắc xin và sinh phẩm y tế
3Công ty Oishi VIJ Việt Nam

Tóm tắt:

Nghiên cứu này đánh giá ảnh hưởng của chế phẩm thảo dược PremixHad (PH) và Doxycycline đến thu nhận thức ăn, tỷ lệ chuyển hóa thức ăn và kích thước lông nhung biểu mô ruột non trên chuột nhắt trắng (Swiss albino). Kết quả nghiên cứu cho thấy bổ sung PH trong thức ăn với các hàm lượng 1,25%; 2,5%; 5,0% và Doxycycline (2 g/ lít nước) an toàn đối với chuột thí nghiệm. Liều bổ sung PH 1,25% cải thiện chỉ số tăng trọng của chuột. PH và Doxycycline làm tăng hiệu quả sử dụng thức ăn thông qua tác động làm giảm tỷ lệ chuyển hóa thức ăn (FCR). PH tác động tích cực đến chiều cao, chiều rộng và tỷ lệ chiều cao/chiều rộng của lông nhung tá tràng và không tràng nhưng không ảnh hưởng đến kích thước lông nhung hồi tràng. Doxycycline không ảnh hưởng đến các chỉ số trên nhưng làm giảm kích thước lông nhung hồi tràng của chuột thí nghiệm. Tóm lại, PH an toàn và có tác dụng tốt đối với sức khỏe đường ruột của chuột Swiss albino và cần được thực thử nghiệm  trên các đối tượng vật nuôi để khẳng định tác dụng của chế phầm.

Từ khóa: An toàn, chuột Swiss albino, doxycycline, lông nhung ruột non, PremixHad.


NGHIÊN CỨU ĐA DẠNG DI TRUYỀN NGUỒN GEN SEN MINI  (Nelumbo nucifera Geartn.) NHẬP NỘI TẠI VIỆT NAM

Ngô Thị Hồng Tươi*, Đoàn Thu Thủy,  Nguyễn Thị Bích Hồng, Phạm Thị Ngọc

Khoa Nông học, Học viện Nông nghiệp Việt Nam

Tóm tắt:

Nghiên cứu này nhằm xây dựng cơ sở dữ liệu về đa dạng di truyền dựa trên đặc điểm hình thái để phục vụ công tác chọn tạo giống sen mini và góp phần đáp ứng nhu cầu chơi sen cảnh ở Việt Nam. Ba mươi mẫu giống sen mini (kí hiệu S1-S30) thu thập tại Hà Nội, Hưng Yên và Đồng Tháp được bố trí thí nghiệm theo kiểu khảo sát tập đoàn, không nhắc lại, thời gian nghiên cứu được thực hiện trong năm 2022 tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Thông qua đánh giá đặc điểm hình thái, kết quả nghiên cứu cho thấy nhiều tính trạng biểu hiện sự đa dạng như: màu sắc lá non, gai trên lá, gai trên cuống lá, màu sắc nụ, màu sắc hoa…Kết quả chọn được 2 mẫu giống có kích thước cây, lá và hoa rất nhỏ có thể xếp vào loại siêu mini dùng để trồng trong chậu nhỏ để bàn (S28 và S12). Kết quả phân tích đa dạng di truyền dựa trên 17 tính trạng hình thái cho thấy: 30 mẫu giống trong tập đoàn sen mini là khác biệt khá rõ ràng. Hệ số tương đồng di truyền của 30 mẫu giống dao động từ 0,4-1,0. Tập đoàn 30 mẫu giống sen mini được phân thành 3 nhóm ở hệ số tương đồng 0,55, khác biệt nhau ở một số tính trạng hình thái đặc trưng.

Từ khóa: Đa dạng di truyền, tính trạng, sen mini.


ĐẶC ĐIỂM SINH HỌC VÀ PHÒNG CHỐNG SINH HỌC NẤM FUSARIUM OXYSPORUM F. SP. CUBENSE GÂY BỆNH HÉO VÀNG CHUỐI

Lê Thị Loan1*, Nguyễn Tuấn Vũ2, Nguyễn Đức Huy2, Vũ Đăng Toàn1

1 Trung tâm Tài nguyên thực vật
2 Khoa Nông học, Học viện Nông nghiệp Việt Nam

Tóm tắt:

Bệnh héo vàng chuối do nấm Fusarium oxysporum f. sp. cubense (Foc) gây hại. Nấm bệnh tồn tại lâu dài trong đất và gây hại nghiêm trọng cho cây chuối ở các vùng trồng. Để có thêm cơ sở khoa học để quản lý bệnh héo vàng hại chuối ở các vùng, nghiên cứu này đã xác định được các chủng nấm Foc, một số đặc điểm sinh học và hiệu lực đối kháng của vi sinh vật đến nấm gây bệnh héo vàng chuối. Xác định được 03/15 mẫu bệnh héo vàng chuối thuộc chủng 4 (Foc-TR4) chiếm 20%; 12/15 mẫu nấm thuộc chủng 1 (Foc-R1) chiếm 80%. Mặc dù chủng (Foc-TR4) chiếm tỷ lệ thấp hơn chủng (Foc-R1) nhưng là chủng gây hại nghiêm trọng đến giống chuối Tiêu là giống chuối có vị trí đặc biệt trong xuất khẩu. Kết quả nghiên cứu đã xác định đặc điểm sinh học của nấm Fusarium oxysporum f. sp. cubense tropical race 4 (Foc-TR4) trên môi trường PDA có màu trắng đến tím nhạt, không hình thành cụm bào tử. Có 2 loại bào tử vô tính là bào tử nhỏ và bảo tử lớn. Bào tử nhỏ thường không có vách ngăn, hình oval, kích thước 1,0 – 2,1 × 2,2 – 3,0 µm. Bào tử lớn có 2 – 5 vách ngăn, phần lớn có 2 – 3 vách ngăn, hình lưỡi liềm, kích thước trung bình từ 2,6 – 3,2 × 9,2 – 35,5 µm. Nấm Foc-TR4 phát triển ở nhiệt độ từ 15 – 35oC. Nhiệt độ tối thích cho nấm phát triển là 25oC. Độ pH thích hợp cho nấm Foc-TR4 sinh trưởng và phát triển tốt từ pH 6,0 – 7,0. Kết quả đánh giá hiệu lực đối kháng đối với nấm Foc-TR4 trên môi trường PDA cho thấy nấm Trichoderma asperellum cho hiệu lực mạnh nhất (74,52%) ở công thức 2 sau 3 ngày nuôi cấy. Sau 7 ngày nuôi cấy chủng nấm C10 đạt 67,35%. và đối với vi khuẩn BV là 61,33%.

Từ khóa: Héo vàng chuối, Foc-TR4, hiệu lực vi sinh vật đối kháng.


TÁC ĐỘNG CỦA ĐẠI DỊCH COVID-19 ĐỐI VỚI NỮ LAO ĐỘNG DI CƯ TRẺ TUỔI Ở KHU VỰC VEN BIỂN TỈNH THỪA THIÊN HUẾ

Trần Thị Ánh Nguyệt*, Lê Thị Hoa Sen1, Hoàng Dũng Hà1, Tsutsui Kazunobu2, Bùi Thị Thu2, Đỗ Thị Việt Hương2

1Trường Đại học Nông Lâm, Đại học Huế
2Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế

Tóm tắt:

Đại dịch COVID-19 đã gây tác động nghiêm trọng đến mọi mặt đời sống của người dân. Lao động di cư quay trở về địa phương khi có lệnh giãn cách trong thời gian dịch xảy ra được xem là một trong những nhóm đối tượng bị tổn thương nhất do tác động của đại dịch COVID-19, đặc biệt là nữ lao động di cư trẻ tuổi. Nghiên cứu này tập trung tìm hiểu những tác động của đại dịch COVID-19 tới việc làm, thu nhập, chất lượng cuộc sống và tâm lý của nữ lao động di cư trẻ tuổi thông qua khảo sát 110 hộ có nữ lao động di cư 18-35 tuổi quay trở về địa bàn các xã ven biển tỉnh Thừa Thiên Huế. Kết quả nghiên cứu cho thấy có sự sụt giảm lớn về thu nhập, việc làm, chất lượng cuộc sống và tâm lý của nữ lao động trẻ tuổi khi đại dịch COVID-19 xảy ra. Nghiên cứu này đưa ra một số khuyến nghị chính sách về việc làm, đào tạo nghề và chăm sóc sức khỏe thể chất, tinh thần nhằm nâng cao năng lực thích ứng của nữ lao động di cư trẻ tuổi trước các cú sốc về kinh tế – môi trường – dịch bệnh.

Từ khóa: Nữ lao động, di cư, khu vực ven biển, đại dịch COVID-19, tổn thương.


ĐA HÌNH GEN GROWTH HORMONE, GROWTH HORMONE RECEPTOR VÀ MỐI LIÊN KẾT VỚI KHỐI LƯỢNG CƠ THỂ CỦA GÀ LIÊN MINH

Đỗ Thị Thu Hường1, Nguyễn Thái Anh2, Nguyễn Thị Vinh2, Đỗ Đức Lực2, Bùi Hữu Đoàn2, Nguyễn Hoàng Thịnh2

 1Khoa Chăn nuôi thú y, Đại học Nông – Lâm Bắc Giang
2Khoa Chăn nuôi, Học viện Nông nghiệp Việt Nam

Tóm tắt:

Nghiên cứu được thực hiện để xác định đa hình và mối liên kết giữa đa hình của gen hormone sinh trưởng (GH), thụ thể hormone sinh trưởng (GHR) với khối lượng cơ thể của gà Liên Minh. Tổng số 835 cá thể (329 trống, 506 mái) được theo dõi khối lượng từ lúc mới nở  đến 20 tuần tuổi. ADN hệ gen được tách chiết từ máu và phân tích đa hình nucleotide đơn bằng phương pháp PCR-RFLP. Kết quả phân tích cho thấy đa hình GH/G662A xuất hiện 3 kiểu gen AA, AG và GG, tần số alen A và G lần lượt là 0,91 và 0,09. Đa hình GH/G1705A có 3 kiểu gen AA, AG và GG, tần số alen A là 0,18 và alen G là 0,82. Đa hình GHR/C571T có 3 kiểu gen là CC, CT và TT, tần số alen C và T tương ứng là 0,74 và 0,26. Gà mang kiểu gen GG của đa hình GH/G662A có khối lượng cao hơn so với gà mang kiểu gen AA trong giai đoạn từ tuần tuổi 11 đến tuần tuổi 20 (p<0,05). Đối với đa hình GH/G1705A, gà mang kiểu gen AA có khối lượng lớn hơn so với gà mang kiểu gen GG trong giai đoạn từ tuần tuổi 12 đến tuần tuổi 17 (p<0,05), lớn hơn gà mang kiểu gen GG trong giai đoạn từ tuần tuổi 8 đến tuần tuổi 20 (p<0,05). Trong nghiên cứu này không tìm thấy mối liên kết giữa đa hình GHR/C571T với khối lượng cơ thể của gà Liên Minh (p>0,05).

Từ khóa: Gà Liên Minh, khối lượng cơ thể, gen GH, gen GHR.


KHẢO SÁT ĐẶC TÍNH THỰC VẬT, ĐÁNH GIÁ PHẨM CHẤT QUẢ MỘT SỐ CÂY BƠ TỰ THỤ VÀ  CẬN THỤ PHẤN 

Nguyễn Thị Mai Hạnh1, Lê Hữu Hải1, Thái Hoàng Phúc1

1Trường Đại học Tiền Giang, 119 Ấp Bắc, Phường 5, Mỹ Tho, Tiền Giang, Việt Nam

Tóm tắt:

Nghiên cứu được thực hiện từ tháng 09/2020 đến tháng 7/2021 nhằm mục tiêu chọn lọc được những cây bơ thuộc nhóm trung gian có phẩm chất quả ngon, làm nguồn vật liệu cho công tác chọn tạo giống mới. Kết quả đã tuyển chọn được 4 cây bơ trồng riêng lẻ có khả năng cho hoa tự thụ phấn và giao phấn với hoa trên cùng cây. Các giống bơ tuyển chọn được tiến hành ghi nhận đặc điểm ra hoa, tỷ lệ các loại hoa trên cùng 1 cây, mô tả các đặc điểm về quả và tiến hành phân tích các chỉ tiêu phẩm chất quả của 4 cây bơ trồng riêng lẻ. Trung bình tỷ lệ nhóm hoa tự thụ phấn chiếm khoảng 33,31%, nhóm hoa cận thụ phấn chiếm khoảng 11,25% và hoa nhóm A/nhóm B (không có khả năng thụ phấn) chiếm khoảng 51,45%. Kết quả phân tích các chỉ tiêu về chất lượng quả cho thấy các giống bơ được chọn có chất lượng cao không thua kém bơ Booth loại I, bơ 034 được trồng ở Đà Lạt và bơ 034 trồng tại Tiền Giang.

Từ khóa: Cây bơ trồng riêng lẻ, hoa cận thụ phấn, hoa tự thụ phấn.


ẢNH HƯỞNG CỦA NGUYÊN LIỆU ĐẾN CHẤT LƯỢNG SỮA CHUA ĐẬU TƯƠNG BỔ SUNG BÍ ĐỎ VÀ MỨT ĐÔNG CAM

Trần Thị Định, Nguyễn Thị Thúy Ngà, Vũ Thị Huyền, Nguyễn Thị Hoàng Lan, Bùi Thúy Ngọc, Vũ Thị Kim Oanh, Đinh Thị Hiền

Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Trâu Quỳ, Gia Lâm, Hà Nội

Tóm tắt:

Mục đích của nghiên cứu này nhằm xác định ảnh hưởng của nguyên liệu gồm đậu tương, bí đỏ và mứt đông cam đến chất lượng sữa chua đậu tương. Sữa chua đậu tương được phân tích thành phần chất lượng bằng phương pháp phân tích công cụ và đánh giá cảm quan bằng phương pháp so hàng trên các đặc điểm về cấu trúc, màu sắc, mùi vị, và chất lượng tổng thể. Kết quả cho thấy nguyên liệu thích hợp nhất để chế biến sữa chua là sử dụng đậu tương ‘DT84’, bổ sung bí đỏ ‘Sáp’, và 15% mứt đông cam. Sữa chua đậu tương thành phẩm có hàm lượng carbohydrate và protein tương đương như sữa chua động vật, đồng thời chứa hoạt chất sinh học có hoạt tính kháng oxy hóa, tốt cho sức khỏe con người.

Từ khóa: Sữa chua đậu tương, lên men lactic, bí đỏ, mứt đông cam, thực phẩm có lợi cho sức khỏe.


THIẾT KẾ VÀ CHẾ TẠO BỘ PHẬN TỰ ĐỘNG ĐIỀU KHIỂN NHIỆT, GIÓ CHO MÁY SẤY SẢN PHẨM NÔNG NGHIỆP DẠNG HẠT

Nguyễn Hữu Hưởng1*, Bùi Quốc Huy1, Tống Ngọc Tuấn1, Hoàng Xuân Anh1,
Nguyễn Ngọc Cường1, Nguyễn Công Phúc2, Lê Văn Quân1

1Khoa Cơ – Điện, Học viện Nông nghiệp Việt Nam
2Khoa Quân nhu, Học viện Hậu cần

Tóm tắt:

Nghiên cứu nhằm mục tiêu thiết kế, chế tạo bộ phận tự động điều khiển nhiệt, bộ cấp gió cho thùng sấy và bộ phận đóng mở cửa gió trên thùng sấy của máy sấy sản phẩm nông nghiệp dạng hạt cụ thể. Bộ phận tự động điều khiển nhiệt khi ứng dụng trên máy sấy phải đảm bảo tốt việc kiểm soát nhiệt độ dòng khí nóng đi vào thùng sấy trong quá trình sấy. Bộ cấp gió với cơ cấu đảo chiều gió tự động giúp cho quá trình sấy được kiểm soát tốt thời gian đảo gió. Trong nghiên cứu này, bộ phận mới được chế tạo ra lắp ráp phù hợp trong tổng thể của máy sấy trước khi tiến hành thực nghiệm. Thực hiện quá trình thử nghiệm trên máy sấy để đánh giá khả năng ứng dụng của thiết bị và cho kết quả hoạt động tương đối tốt khi tích hợp trong tổng thể máy sấy. Máy sấy được kiểm soát tốt nhiệt độ trong quá trình sấy và bộ cấp gió với cơ cấu đảo gió hoạt động tốt.

Từ khóa: Bộ điều khiển nhiệt, bộ cấp gió, máy sấy.


PHÂN LẬP, TUYỂN CHỌN VÀ NGHIÊN CỨU ĐẶC ĐIỂM CỦA CHỦNG VI KHUẨN Enterococcus faecalis ET04 CÓ KHẢ NĂNG SINH BACTERIOCIN

Dương Văn Hoàn1, Đặng Thị Thanh Tâm1, Đinh Trường Sơn1, Nguyễn Xuân Trường1, Phạm Thị Dung1, Nguyễn Xuân Cảnh1*

1Khoa Công nghệ sinh học, Học viện Nông nghiệp Việt Nam

Tóm tắt:

Nghiên cứu được thực hiện với mục tiêu xác định được chủng vi khuẩn Enterococcus có khả năng sinh bacterioicn, định hướng ứng dụng như chất bổ sung vào thức ăn nuôi trồng thuỷ sản và thay thế việc sử dụng thuốc kháng sinh hiện nay. Trong nghiên cứu này chủng vi khuẩn ET04 được phân lập và đánh giá khả năng đối kháng với vi sinh vật kiểm định Staphylococcus aureus, Aeromonas jandaei. Kết quả nghiên cứu cho thấy, chủng vi khuẩn ET04 được xác định là có khả năng sinh bacteriocin ức chế sự phát triển của các vi sinh vật kiểm định. Hợp chất bacteriocin sinh ra bởi chủng ET04 hoạt động ổn định ở pH 2,0 đến 8,0. Trên môi trường MRS có bổ sung 3% glucose và cao nấm men, chủng vi khuẩn ET04 cho thấy khả năng sinh bacteriocin cao với đường kính vòng kháng khuẩn 14,16 ± 0,81 – 21,67 ± 0,47 mm.  Kết hợp các đặc điểm hình thái, sinh lý, sinh hoá và phân tích trình tự gen mã hoá 16S rRNA, chủng ET04 được xác định là Enterococcus faecalis.

Từ khóa: Bacteriocin, Enterococcus faecalis, Staphylococcus aureus, Aeromonas jandaei.


MỘT GIẢI PHÁP CÔNG NGHỆ THÔNG TIN HỖ TRỢ GIẢNG VIÊN, SINH VIÊN HỌC VIỆN NÔNG NGHIỆP VIỆT NAM TRONG CÔNG TÁC GIẢNG DẠY VÀ HỌC TẬP

Trần Trung Hiếu*, Đỗ Thị Nhâm, Nguyễn Hữu Hải

Khoa Công nghệ thông tin, Học viện Nông nghiệp Việt Nam

Tóm tắt:

Trong bài báo này, chúng tôi tiến hành phân tích các hoạt động giảng dạy và học tập của giảng viên và sinh viên Học viện Nông Nghiệp Việt Nam từ đó đưa ra giải pháp công nghệ thông tin hỗ trợ cho sinh viên và giảng viên của Học viện. Bằng phương pháp điều tra thu thập dữ liệu, phương pháp phân tích và tổng hợp lý thuyết liên quan đến các công nghệ và phương pháp nghiên cứu thực nghiệm, chúng tôi đã xây dựng thành công một phần mềm sử dụng công nghệ JavaFX, Jsoup, Microsoft Access và Apache POI hỗ trợ giảng viên và sinh viên Học viện có thể theo dõi thời khóa biểu dễ dàng theo từng tuần, từng ngày trong tuần, tìm lịch trống cho nhóm sinh viên, giảng viên. Phần mềm còn hỗ trợ giảng viên quản lý lớp học, lưu trữ điểm, lịch coi thi dưới định dạng các tệp Excel. Phần mềm hiện đã chạy ổn định, giúp cho hoạt động giảng dạy và học tập của nhiều giảng viên, sinh viên Học viện trở lên thuận lợi và tiết kiệm nhiều thời gian công sức.

Từ khóa: JavaFX, Jsoup, Apache POI, giải pháp, thời khóa biểu.


ĐÁNH GIÁ CỦA KHÁCH HÀNG CÁ NHÂN VỀ CHẤT LƯỢNG DỊCH VỤ NGÂN HÀNG SỐ TẠI NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI CỔ PHẦN ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN VIỆT NAM, CHI NHÁNH THÀNH ĐÔ, THÀNH PHỐ HÀ NỘI

Hán Hoàng Long1, Nguyễn Phượng Lê2, Nguyễn Thị Bích Điệp3

1Ngân hàng Thương mại cổ phần đầu tư và phát triển Việt Nam
2Khoa Kinh tế và Phát triển nông thôn, Học viện Nông nghiệp Việt Nam
3Khoa Tài chính – Ngân hàng, Trường Đại học Tài chính – Quản trị kinh doanh

Tóm tắt:

Bài viết nhằm mục tiêu phân tích những đánh giá của khách hàng về chất lượng dịch vụ ngân hàng số trên các khía cạnh: tính bảo mật, tính đáp ứng, tính thuận tiện và các ưu đãi đối với khách hàng dựa trên số liệu sơ cấp được thu thập từ 200 khách hàng có sử dụng dịch vụ số của ngân hàng thương mại cổ phần đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV). Kết quả nghiên cứu cho thấy chất lượng dịch vụ ngân hàng số của Chi nhánh được khách hàng đánh giá ở mức khá. Trong các thành tố tạo nên chất lượng dịch vụ ngân hàng số thì tính bảo mật được đánh giá thấp nhất (3,57/5 điểm), độ chính xác của giao dịch và tính thuận tiện được đánh giá cao nhất (4,08/5 điểm). Để nâng cao chất lượng dịch vụ ngân hàng số, trong những năm tới Chi nhánh cần thực hiện đồng bộ các giải pháp như: hoàn thiện hệ thống quản trị dữ liệu ngân hàng, hợp tác với các công ty Fintech để tăng tính bảo mật, nâng cao chất lượng nhân lực, đổi mới công nghệ và đẩy mạnh hoạt động truyền thông về dịch vụ ngân hàng số.

Từ khóa: Ngân hàng; Dịch vụ số; Chất lượng; Khách hàng.


NGHIÊN CỨU ĐIỀU KHIỂN HỆ THỐNG GIA NHIỆT Ở MÁY SẤY PHUN CÔNG SUẤT 2 LÍT/GIỜ

Nguyễn Thị Hiên*, Ngô Phương Thủy

Khoa Cơ Điện, Học viện Nông nghiệp Việt Nam

Tóm tắt:

Trong quá trình sấy phun, nhiệt độ là yếu số quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng của sản phẩm sấy. Vì vậy, việc kiểm soát chính xác nhiệt độ khí sấy. Nghiên cứu nhằm mục tiêu xây dựng hệ thống điều khiển gia nhiệt cho máy sấy phun công suất 2 lít/giờ, phục vụ cho đào tạo thực hành ở Phòng thực hành Chế biến rau quả, khoa Cơ Điện, Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Hệ thống có thể điều khiển tự động nhiệt độ của dòng khí sấy đầu vào hoặc đầu ra tùy theo yêu cầu cụ thể của người sử dụng. Hơn nữa, nhiệt độ hệ thống được điều khiển liên tục nhờ điều khiển liên tục điện áp cung cấp cho hệ thống gia nhiệt theo phương thức điều khiển PID giúp điều khiển ổn định và chính xác nhiệt độ, tăng tuổi thọ của thiết bị.

Từ khóa: điều khiển gia nhiệt, sấy phun, gia nhiệt .


MỘT SỐ TÍNH CHẤT LÝ VÀ HÓA HỌC CHÍNH CỦA ĐẤT NÔNG NGHIỆP THÀNH PHỐ UÔNG BÍ, TỈNH QUẢNG NINH

Nguyễn Thế Bình1, Đinh Hồng Duyên1, Đoàn Thanh Thuỷ1, Vũ Thanh Hải2, Nguyễn Văn Hồng3

1Khoa Tài nguyên&Môi trường
2Khoa Nông học-Học viện Nông nghiệp Việt Nam
3Viện Thổ nhưỡng Nông hoá

Tóm tắt:

Để xác định các yếu tố hạn chế làm cơ sở đề xuất hướng cải tạo và quản lý bền vững đất nông nghiệp thành phố Uông Bí tỉnh Quảng Ninh, nhóm nghiên cứu đã khảo sát, lấy mẫu đất phân tích tại 30 phẫu diện trên địa bàn. Nghiên cứu đã phân tích và đánh giá một số tính chất lý hóa học chính. Kết quả cho thấy đất nông nghiệp của thành phố Uông Bí bao gồm 6 nhóm đất chính với 9 loại đất. Tính chất lý, hóa học và hàm lượng dinh dưỡng trong đất phù hợp cho phát triển nhiều loại cây trồng trên địa bàn thành phố. Tuy nhiên, một số yếu tố hạn chế gồm pH thấp ở nhóm đất vàng nhạt trên đá cát (nhóm đất có diện tích lớn nhất, chiếm 77,97% diện tích đất nông nghiệp), hàm lượng OM ở hầu hết các loại đất ở mức nghèo đến trung bình. Do đó, để cải thiện chất lượng đất và nâng cao năng suất cây trồng, người dân cần bón vôi và phân hữu cơ để giúp tăng pH và tăng hàm lượng dinh dưỡng trong đất.

Từ khóa: Nhóm đất chính thành phố Uông Bí, tính chất vật lý đất, tính chất hoá học đất.


 PHÂN TÍCH NHÂN TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN VIỆC VẬN DỤNG CHÍNH SÁCH KẾ TOÁN TẠI CÁC DOANH NGHIỆP NHỎ VÀ VỪA TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI

Nguyễn Thị Hải Bình*, Phí Thị Diễm Hồng, Hoàng Thị Mai Anh, Trần Nguyễn Thị Yến, Phan Lê Trang

Kế toán và QTKD, Học viện Nông nghiệp Việt Nam

Tóm tắt:

Nghiên cứu này nhằm phân tích các nhân tố ảnh hưởng đến việc vận dụng chính sách kế toán tại các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn thành phố Hà Nội. Nghiên cứu thực hiện điều tra 159 doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn thành phố Hà Nội trong quý II năm 2022 và kiểm định thang đo bằng Cronbach’s Anpha, sử dụng phân tích nhân tố khám phá và phân tích hồi quy để chỉ ra nhân tố ảnh hưởng và mức độ ảnh hưởng của từng nhân tố. Kết quả đã chỉ ra các nhân tố ảnh hưởng đến việc vận dụng các chính sách kế toán gồm: hệ thống văn bản hướng dẫn; trình độ của nhân viên kế toán; công tác quản lý giám sát; quy mô doanh nghiệp, cơ sở hạ tầng kế toán.

Từ khóa: Chính sách kế toán, công tác kế toán, doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhân tố ảnh hưởng.


ĐÁNH GIÁ ĐẶC ĐIỂM CHỦNG VI KHUẨN TIỀM NĂNG PHÂN GIẢI CELLULOSE PHÂN LẬP TỪ PHỤ PHẨM CHẾ BIẾN GỖ

Đặng Thị Thanh Tâm, Trần Thị Yến, Nguyễn Thanh Huyền*

Khoa Công nghệ sinh học, Học viện Nông nghiệp Việt Nam

Tóm tắt:

Cellulase là enzyme được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực như nông nghiệp, công nghiệp và y học. Trong số các loài vi sinh vật thì vi khuẩn được đánh giá có khả năng tổng hợp cellulase với hoạt tính cao, ổn định và hạn chế gây ô nhiễm môi trường. Từ mẫu phụ phẩm chế biến gỗ được thu tại hai tỉnh Hưng Yên và Hà Nội, 23 chủng vi khuẩn có hoạt tính phân giải CMC (Carboxymethyl cellulose) được phân lập và trong đó, vi khuẩn C4 và C21 là hai chủng có thể hiện khả năng phân giải CMC cao. Dựa trên đặc điểm hình thái khuẩn lạc, hình thái tế bào, cũng như đặc điểm hóa sinh cho thấy cả hai chủng vi khuẩn này đều thuộc chi Bacillus sp. Sau khi khảo sát ảnh hưởng của một số điều kiện nuôi cấy đến hoạt độ cellulase của hai chủng vi khuẩn tuyển chọn có thể thấy, chủng C4 tổng hợp cellulase có hoạt độ mạnh nhất khi nuôi trong môi trường LB, điều kiện lắc, pH 8,0 trong 24 giờ; Trong khi đó chủng C21 sinh tổng hợp cellulase có hoạt độ mạnh nhất khi nuôi trong môi trường LB, điều kiện lắc, ở 35oC, pH=6,0 trong 72 giờ. Cuối cùng, đánh giá khả năng phân giải rơm rạ và gỗ mục trong điều kiện in vitro cho thấy chủng C4 và C21 có khả năng phân giải tăng 3,02-4,22 lần so với đối chứng.

Từ khóa: Bacillus sp., cellulase, phân giải CMC, phụ phẩm sản xuất gỗ .


ĐẶC ĐIỂM NGOẠI HÌNH, KHẢ NĂNG SINH TRƯỞNG VÀ NĂNG SUẤT THỊT CỦA GÀ VẠN LINH

Dương Thu Hương1*, Nguyễn Thị Châu Giang1, Nguyễn Văn Thông1, Nguyễn Khánh Toàn2, Đặng Thuý Nhung1, Nguyễn Hoàng Thịnh1

1Khoa Chăn nuôi, Học viện Nông nghiệp Việt Nam
2Trung tâm Ứng dụng, phát triển khoa học – công nghệ và đo lường, chất lượng sản phẩm, Sở Khoa học và Công nghệ Tỉnh Lạng Sơn

Tóm tắt:

Nghiên cứu này được thực hiện trên gà Vạn Linh, nuôi tại Khoa Chăn nuôi, Học viện Nông nghiệp Việt Nam để đánh giá đặc điểm ngoại hình, khả năng sinh trưởng, năng suất và chất lượng thịt. 120 con gà Vạn Linh 1 ngày tuổi được chia ngẫu nhiên thành 3 lô, mỗi lô 40 con, gà được chăm sóc và nuôi dưỡng theo tiêu chuẩn gà lông màu của Trung tâm Nghiên cứu Gia cầm Thụy Phương, Viện Chăn nuôi (2004). Kết quả cho thấy, gà Vạn Linh 1 ngày tuổi bộ lông có màu vàng nhạt (71,5%), nâu nhạt (20%) và vàng điểm đen (8,5%); ở tuần 18, gà mái có màu vàng nhạt (47,5%), nâu nhạt (33,4%) và nâu sẫm (19,1%), 62% gà có các điểm đen ở cổ; gà trống có bộ lông đỏ tía (75,8%) và nâu sẫm (24,2%). Gà có mào cờ, màu đỏ tươi; chân, da, mỏ có màu vàng nghệ đặc trưng. Gà có tỷ lệ nuôi sống đến 18 tuần tuổi cao (95,83%). Khối lượng cơ thể gà trống và gà mái ở 18 tuần tuổi là 2244,34g và 2067,38g. FCR giai đoạn 1-18 tuần tuổi là 3,98. Tỷ lệ thân thịt, tỷ lệ thịt đùi và thịt lườn ở gà trống là 72,69; 21,48; 14,94% và ở gà mái là 71,68; 16,77; 16,14%. Tỷ lệ mất nước bảo quản, chế biến, giá trị pH, màu sắc và độ dai của thịt gà đều đạt chất lượng tốt.

Từ khóa: Gà Vạn Linh, ngoại hình, sinh trưởng, chất lượng thịt.


SINH TRƯỞNG HỆ SỢI VÀ PHÁT TRIỂN QUẢ THỂ NẤM SÒ TÚ CẦU
(Pleurotus spp.) TRÊN CÁC NGUỒN NGUYÊN LIỆU KHÁC NHAU

Nguyễn Thị Huyền Trang, Trương Hồng Lãm, Nguyễn Thị Mơ,
Ngô Xuân Nghiễn, Nguyễn Thị Luyện, Nguyễn Thị Bích Thùy*

Viện nghiên cứu và phát triển nấm ăn, nấm dược liệu, Học viện Nông nghiệp Việt Nam

Tóm tắt:

Nấm sò (Pleurotus spp.) là một loại nấm ăn ngon, giàu dinh dưỡng và có giá trị kinh tế cao. Mục tiêu của nghiên cứu này nhằm tìm ra nguồn cacbon, nguồn nitơ, nhiệt độ, cơ chất nhân giống, và nguyên liệu nuôi trồng phù hợp cho quá trình sinh trưởng hệ sợi và hình thành quả thể nấm sò Tú Cầu P35. Kết quả thu được cho thấy hệ sợi chủng nấm sò Tú Cầu P35 sinh trưởng tốt nhất ở mức nhiệt độ và nguồn cacbon lần lượt là 30°C±1 và maltose. Trong năm nguồn nitơ được sử dụng để đánh giá sinh trưởng hệ sợi, (NH4)2SO4 thích hợp nhất đối với sinh trưởng hệ sợi nấm sò Tú Cầu P35. Công thức bao gồm 99% thóc luộc và 1% CaCO3 là cơ chất nhân giống tối ưu để hệ sợi sinh trưởng tốt nhất. Cơ chất nuôi trồng gồm 94% bông, 5% cám mạch và 1% CaCO3 cho hiệu suất nấm cao nhất, đạt 48,24%.

Từ khóa: Nấm sò Tú Cầu, nguồn cacbon, nguồn nitơ, nhiệt độ, nuôi trồng.


SỰ HÀI LÒNG CỦA HỘ NÔNG DÂN TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI VỀ SẢN PHẨM LÚA GIỐNG TBR225

Chu Thị Kim Loan1 và Trần Minh Châu2

1 Khoa Kế toán và QTKD
2 Công ty Cổ Phần Tập Đoàn Thái Bình Seed

Tóm tắt:

Trong bài viết này, phương pháp thống kê mô tả, kiểm định T-test và ANOVA được sử dụng để phân tích mức độ hài lòng của hộ nông dân trên địa bàn Hà Nội đối với sản phẩm lúa giống TBR225. Nghiên cứu cho thấy sự hài lòng của 300 hộ nông dân điều tra về lúa giống TBR225 ở mức rất cao (4,34/5 điểm). Nhiều yếu tố tạo nên sự hài lòng chung của nông hộ được đánh giá ở mức điểm cao từ 3,41 đến 4,24; đặc biệt là các chỉ tiêu về chất lượng lúa giống. Một vài chỉ tiêu có điểm ở mức trung bình, cần được cải thiện như: tính dễ phân hủy hay tái sử dụng của bao gói (3,01), chương trình khuyến mại (3,12), tính ổn định của giá (2,88). Kiểm định cho thấy có sự khác biệt về mức điểm hài lòng bình quân (p<0,05) giữa một số nhóm hộ. Cụ thể, nhóm nông hộ ở huyện Thanh Oai, sử dụng trên 2/3 diện tích lúa gieo cấy giống TBR225, hay sử dụng giống TBR225 để gieo cấy từ 2 đến 3 vụ có điểm bình quân cao hơn nhóm còn lại.

Từ khóa: Sự hài lòng, lúa giống TBR225, hộ nông dân, Hà Nội.


Xác định nguyên nhân gây bệnh tàn lụi cây Sen tại Thừa Thiên Huế năm 2022

Hà Viết Cường1*, Trần Thị Thu Hà2, Lê Quý Thảo3, Huỳnh Thị Tâm Thúy3, Lê Văn Vinh3

1Bộ môn Bệnh cây, Khoa Nông học, Học viện Nông nghiệp Việt Nam
2Khoa Nông học, Đại học Nông Lâm Huế
3Chi cục BVTV tỉnh Thừa Thiên Huế

Tóm tắt:

Bệnh tàn lụi là một bệnh mới và nguy hiểm trên cây Sen (Nelumbo nucifera) tại Thừa Thiên Huế trong những năm gần đây. Mục tiêu của nghiên cứu là nhằm xác định nguyên nhân gây bệnh. Đánh giá triệu chứng biểu hiện bệnh ngoài tự nhiên đã gợi ý tác nhân gây bệnh tấn công phần trên của cây. Lây nhiễm nhân tạo 8 mẫu vi khuẩn và 7 mẫu nấm phân lập được từ cây bệnh trên gân lá và cuống lá Sen đã cho thấy chỉ có mẫu nấm N1 có khả năng nhiễm và tạo vết bệnh giống với với triệu chứng bệnh ngoài tự nhiên. Đánh giá hình thái gồm đặc điểm tản nấm trên môi trường PDA và đặc điểm bào tử phân sinh cho thấy nấm N1 thuộc chi Lasiodiplodia, họ Botryosphaeriaceae. Định danh phân tử mẫu nấm N1 dựa trên trình tự 3 gen mã vạch gồm Internal Transcribed Spacer  (ITS), Translation elongation factor 1 gene (ef1) và beta-tubulin (tub2) đã xác định mẫu nấm N1 là loài Lasiodiplodia theobromae. Dựa trên thông tin hiện có, đây là báo cáo đầu tiên trên thế giới và Việt Nam xác định L. theobromae là nguyên nhân gây bệnh tàn lụi trên cây Sen.

Từ khóa: Nelumbo nucifera,, blight, Lasiodiplodia theobromae, ITS, ef1, tub2.


TỰ ĐỘNG ĐÁNH GIÁ CHẤT LƯỢNG CỦ KHOAI TÂY GIỐNG ỨNG DỤNG THỊ GIÁC MÁY TÍNH

Đặng Thị Thúy Huyền*, Nguyễn Thị Duyên, Ngô Trí Dương, Nguyễn Văn Điều

Khoa Cơ – Điện, Học viện Nông nghiệp Việt Nam

Tóm tắt:

Nghiên cứu này nhằm mục tiêu thiết kế một mô hình đánh giá tự động chất lượng củ khoai tây giống ứng dụng thị giác máy tính. Trong nghiên cứu, một số yếu tố được lựa chọn để đánh giá chất lượng củ khoai tây giống trước khi đem gieo trồng bao gồm: số lượng mầm, bệnh ghẻ củ và bệnh vảy bạc. Bằng việc sử dụng camera Pi 2/3 để chụp ảnh đối tượng và gửi tới máy tính nhúng Raspberry Pi 4B để xử lý ảnh nhận được với thuật toán YOLO-v4, bước đầu mô hình đã đưa ra được kết luận về chất lượng củ thông qua việc xác định số mầm và nhận diện 02 loại bệnh trên củ (bệnh ghẻ củ, bệnh vảy bạc) với thời gian xử lý trung bình là 0,147 giây. Tỷ lệ nhận diện chính xác bệnh trên mẫu củ nhiễm bệnh là 93,33% với bệnh ghẻ củ, 94,74% với bệnh vảy bạc, tỷ lệ đếm đúng số mầm trên củ là 95,56% số mẫu thử nghiệm. Mô hình đánh giá này có thể ứng dụng cho hệ thống phân loại tự động củ giống trước khi đem gieo trồng.

Từ khóa: củ khoai tây giống, mầm khoai, bệnh vảy bạc, bệnh ghẻ củ, YOLO-v4.


ẢNH HƯỞNG CỦA PHÂN KALI ĐẾN NĂNG SUẤT  VÀ CHẤT LƯỢNG ĐƯƠNG QUY NHẬT BẢN (Angelica acutiloba (Sieb.et Zucc.) Kitagawa)  TRỒNG TẠI PHÚ THỌ

Phạm Thanh Loan

Viện Nghiên cứu Ứng dụng và Phát triển, Trường Đại học Hùng Vương, Phú Thọ

Tóm tắt:

Nghiên cứu nhằm xác định lượng phân kali phù hợp để đảm bảo cho cây Đương quy cho năng suất, chất lượng dược liệu và hiệu quả kinh tế cao. Thí nghiệm được thực hiện trên giống Đương quy Nhật Bản. Thí nghiệm gồm 4 công thức, được bố trí theo kiểu khối ngẫu nhiên hoàn chỉnh. Tiến hành theo dõi các chỉ tiêu về bộ rễ, năng suất và hàm lượng chất chiết trong rễ và sơ bộ đánh giá hiệu quả kinh tế. Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng, bón kali với lượng 120 K2O/ha có chiều dài rễ chính là 33,4cm; đường kính rễ chính là 3,45cm, có số lượng rễ bên là 21,8 rễ; Năng suất cá thể khô đạt 43,8g/cây và năng suất thực tế khô đạt 47,83 tạ/ha. Cũng ở mức bón này, có tỷ lệ đầu rễ thấp (26,8%); tỷ lệ rễ bên cao đạt 47,6% và hàm lượng chất chiết đạt 46,54%. Các kết quả này đều cao hơn so với đối chứng và không có sự sai khác ở độ tin cậy 95% khi bón ở 140 K2O/ha. Đây cũng là mức bón cho tỷ suất lợi nhuận đạt cao nhất là là 2,62. Mức bón 140 K­­­2O/ha có lãi thuần đạt cao nhất nhưng chi phí sản xuất tăng nên tỷ suất lợi nhuận đạt được lại chỉ tương đương với mức bón 120 K2O/ha. Kết quả trên cho thấy,  bón 120 K2O/ha trên nền phân theo Quy trình kỹ thuật trồng cây Đương Quy Nhật Bản của Viện dược liệu là phù hợp tại Phú Thọ.

Từ khóa: Đương quy, phân bón kali, năng suất, chất lượng.


KHUYẾN NGHỊ TĂNG CƯỜNG VAI TRÒ CỦA HỢP TÁC XÃ TRONG CHUỖI CUNG ỨNG LÚA GẠO TỈNH AN GIANG

Nguyễn Văn Thành

Đại Học Văn Hiến

Tóm tắt:

Nghiên cứu này sử dụng phương pháp thống kê để phân tích dữ liệu tổng thể thu thập từ các nguồn đã công bố để tập trung vào việc phân tích vị thế của Hợp Tác xã trong chuỗi cung ứng lúa gạo tại tỉnh An Giang. Tác giả cũng đề xuất những khuyến nghị để tăng vai trò của Hợp Tác Xã trong chuỗi cung ứng lúa gạo. Kết quả nghiên cứu cho thấy rằng hiện nay, Hợp Tác Xã chưa có vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng vật tư đầu vào và đầu ra của ngành lúa gạo tại tỉnh An Giang. Tuy nhiên, các thành viên trong hợp tác xã đạt được lợi nhuận kinh tế cao hơn và được hỗ trợ nhiều hơn so với các hộ nông dân chưa tham gia vào hợp tác xã. Dựa trên kết quả nghiên cứu, tác giả đề xuất những khuyến nghị nhằm tăng cường vai trò của Hợp Tác Xã trong chuỗi cung ứng lúa gạo. Điều này bao gồm việc tăng cường hỗ trợ cho hợp tác xã trong việc phát triển sản xuất và kinh doanh, xây dựng mối quan hệ hợp tác giữa các hợp tác xã và các đối tác trong chuỗi cung ứng, cũng như đẩy mạnh việc tuyên truyền và giáo dục về lợi ích của hợp tác xã đối với các hộ nông dân.

Từ khóa: An Giang, hợp tác xã, nông dân trồng lúa, chuỗi cung ứng lúa gạo.


NGHIÊN CỨU NHÂN NHANH IN VITRO CÂY HÔNG (Paulownia fortunei) NHẬP NỘI

Nguyễn Thị Lâm Hải1, Trần Đông Anh1, Phạm Thị Thu Hằng1, Đinh Trường Sơn1, Đặng Thị Thanh Tâm1, Nguyễn Thanh Hải1, Nông Thị Huệ1, Ninh Thị Thảo1, Lưu Thị Hoa1

1Học viện nông nghiệp Việt Nam

Tóm tắt:

Cây hông (Paulownia fortunei) nhập nội từ Canada là một loại cây lấy gỗ có giá trị kinh tế cao do có tốc độ sinh trưởng vượt trội, chất lượng gỗ tốt, chống chịu sâu bệnh. Do là cây nhập nội nên việc chủ động nguồn giống là cần thiết để phát triển giống cây này tại Việt Nam. Trong nghiên cứu này, nhân nhanh cây hông nhập nội bằng nuôi cấy mô đã được tiến hành. Vật liệu để vào mẫu là chồi cây hông 03 tháng tuổi. Chồi cây được xử lý với KMnO4 0,1% trong 30 phút, sau đó khử trùng trong dung dịch Natri Troclosene 0,5% trong 20 phút và HgCl2 0,2 % trong 10 phút, cuối cùng mẫu cấy được ngâm trong dung dịch Cefotaxim 100 mg/L trong 10 phút. Tỷ lệ tạo mẫu sống vô trùng đạt 35,7%. Môi trường nhân nhanh tốt nhất cho chồi hông in vitro là môi trường MS có bổ sung 0,5 mg/L BAP với hệ số nhân chồi thu được là 5,43 chồi/mẫu, chiều cao chồi đạt 4,32 cm/ chồi. Môi trường thích hợp nhất để tạo rễ cây hông in vitro là môi trường ½ MS trong thời gian 3 tuần.  Giá thể ra ngôi cho tỷ lệ cây sống cao là Peatmoss cho tỷ lệ cây sống đạt 97,2% trong thời gian 3 tuần.

Từ khóa: Cây hông, Paulownia fortunei, nhân nhanh in vitro, BAP, Peatmoss.


BƯỚC ĐẦU NGHIÊN CỨU TẠO CHẾ PHẨM XỬ LÝ Ô NHIỄM DẦU BẰNG
VI KHUẨN TẠO MÀNG SINH HỌC TRÊN THAN SINH HỌC CÓ NGUỒN GỐC TỪ TRẤU

Trần Thị Lương1, Đỗ Thị Liên2, Cung Thị Ngọc Mai2, Trần Thị Đào3, Trần Phương Minh4, Lê Thị Nhi Công1,2*

1Học viện Khoa học và Công nghệ, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam
2Viện Công nghệ Sinh học, Viện Hàn lâm Khoa học & Công nghệ Việt Nam
3Khoa Công nghệ sinh học, Học viện Nông nghiệp Việt Nam
4Trường PTTH chuyên Khoa học Tự nhiên, Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội

Tóm tắt:

Vấn đề ô nhiễm môi trường do dầu và các sản phẩm của nó gây ra đã và đang ở mức báo động. Dầu thường có độc tính cao và tương đối bền vững trong môi trường. Để giải quyết vấn đề trên, các biện pháp sinh học được xem là một những cách thức xử lý triệt để, thân thiện với môi trường và có chi phí thấp. Để tăng cường hiệu quả xử lý ô nhiễm dầu và để có thể dễ dàng áp dụng trong nhiều điều kiện địa hình khác nhau, việc sử dụng chất mang như than sinh học làm giá thể cho các vi sinh vật tạo màng sinh học gắn lên đã và đang được ứng dụng rộng rãi. Trong nghiên cứu này, các chủng vi khuẩn tạo màng sinh học có khả năng phân hủy/chuyển hóa các thành phần có trong dầu mỏ như Acinetobacter baumannii QN01, Rhizobium sp. DG2, Rhodococcus sp. BN5 và Stenotophomonas maltophilia QNG02 đã được lựa chọn để bước đầu tạo chế phẩm với chất mang là than sinh học nhằm ứng dụng trong xử lý ô nhiễm dầu. Đã xác định được nhiệt độ lên men phù hợp là 40oC và độ ẩm của chế phẩm là 40%. Chế phẩm tạo thành đã cho thấy hiệu quả loại bỏ dầu diesel lên tới 99% sau 7 ngày nuôi cấy với nồng độ dầu ban đầu là 10 g/kg đất.

Từ khóa: Lên men; màng sinh học; nước thải nhiễm dầu; phân hủy sinh học; than sinh học.


QUẢN LÝ RỪNG ĐẶC DỤNG VÀ BẢO TỒN ĐA DẠNG SINH HỌC: NGHIÊN CỨU ĐIỂM TẠI VƯỜN QUỐC GIA BA BỂ

Nguyễn Thu Thùy

Khoa Tài nguyên và Môi Trường, Học viện Nông nghiệp Việt Nam

Tóm tắt:

Nghiên cứu sử dụng phương pháp điều tra thực vật, phỏng vấn sâu, phân tích SWOT và phương pháp kế thừa để đánh giá hiện trạng tài nguyên rừng và đa đạng sinh học, thực trạng quản lý và thách thức trong hoạt động bảo tồn đa dạng sinh học tại Vườn Quốc gia Ba Bể. Rừng đặc dụng tại đây chủ yếu là rừng gỗ lá rộng thường xanh hoặc nửa rụng lá trên núi đá với hệ động, thực vật phong phú. Trong 978 loài thực vật bậc cao có mạch được ghi nhận có 34 loài thực vật có tên trong Sách Đỏ Việt Nam, 20 loài có tên trong danh lục Sách Đỏ IUCN. Trong 389 loài động vật được thống kê tại Vườn Quốc gia Ba Bể, có 3 loài chim, 16 loài thú và 6 loài bò sát có tên trong Sách Đỏ Việt Nam; 3 loài chim, 19 loài thú và 9 loài bò sát được ghi trong Sách Đỏ IUCN. Tuy nhiên, tình trạng vi phạm lâm luật trong Vườn Quốc gia vẫn còn diễn ra. Mặt khác, công tác quản lý rừng, bảo tồn đa đạng sinh học trong Vườn Quốc gia còn gặp nhiều khó khăn và thách thức. Sinh kế của cư dân sống xen kẽ trong vùng lõi, vùng đệm của Vườn Quốc gia còn phụ thuộc lớn vào tài nguyên đa đạng sinh học, đất rừng ở đây.

Từ khóa: Bảo tồn đa đạng sinh học, Rừng đặc dung, Vườn Quốc gia Ba Bể.


TRỒNG DƯA LƯỚI CÔNG NGHỆ CAO – NGÀNH NÔNG NGHIỆP NHIỀU TRIỂN VỌNG PHÁT TRIỂN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TÂY NINH

Lê Trung Quốc1, Vòng Thình Nam2

1Ủy ban nhân dân Thị xã Hòa Thành, Tỉnh Tây Ninh
2Trường đại học Sư phạm kỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh

Tóm tắt:

Trong thời gian gần đây, nhiều hộ nông nghiệp ở Tây Ninh đầu tư trồng Dưa lưới công nghệ cao, bước đầu đã mang lại nhiều kết quả khả quan. Nghiên cứu đã phân tích thực trạng đầu tư trồng dưa lưới công nghệ cao trên địa bàn tỉnh Tây Ninh. Tác giả đã thu thập dữ liệu thứ cấp từ các báo cáo của địa phương, các nghiên cứu trước có liên quan và dữ liệu sơ cấp từ khảo sát 20 chủ nông hộ, chủ doanh nghiệp đang trồng dưa lưới trên địa bàn. Kết quả nghiên cứu phát hiện những vấn đề tồn tại: Diện tích trồng dưa lưới tập trung quá nhiều ở thành thị, khu vực có diện tích đất trồng trọt hạn chế; Người lao động chưa nắm vững kỹ thuật trồng Dưa lưới công nghệ cao; Việc đóng gói, bảo quản không được thực hiện ngay từ lúc thu hoạch, ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm; Các hộ trồng dưa chưa chủ động tìm kênh tiêu thụ ổn định. Từ đó đề xuất các giải pháp phát triển dưa lưới công nghệ cao trên địa bàn tỉnh Tây Ninh, một tỉnh mạnh về nông nghiệp.

Từ khóa: Nông nghiệp công nghệ cao, dưa lưới công nghệ cao, dưa lưới Tây Ninh.


CÁC YẾU TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN KẾT QUẢ PHÂN HẠNG SẢN PHẨM OCOP TỈNH AN GIANG

Võ Thành Danh1*, Phạm Thái Bình2, Võ Thị Bé Thơ3, Nguyễn Trọng Nghĩa2, Võ Nguyễn Duy Khiêm1

1Trường Đại học Cần Thơ
2Văn phòng điều phối xây dựng Nông thôn mới tỉnh An Giang
3Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang

Tóm tắt:

Mục đích của nghiên cứu này là phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến kết quả phân hạng sản phẩm OCOP tại tỉnh An Giang. Tổng số sản phẩm OCOP được xếp hạng cấp sao của tỉnh là 74 sản phẩm thuộc ba ngành hàng thực phẩm, đồ uống và thủ công mỹ nghệ, trang trí. Phương pháp tính chỉ số chuẩn hoá và phân tích hồi quy được sử dụng để phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến kết quả phân hạng OCOP. Kết quả cho thấy các yếu tố Tiếp thị, Tổ chức sản xuất, Câu chuyện sản phẩm, Phát triển sản phẩm ảnh hưởng tích cực đến kết quả phân hạng OCOP tỉnh An Giang.

Từ khóa: Chương trình mỗi xã một sản phẩm, phân hạng sản phẩm OCOP, An Giang.


THỰC TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP THỰC HIỆN QUYỀN CỦA NGƯỜI SỬ DỤNG ĐẤT TẠI THÀNH PHỐ NINH BÌNH, TỈNH NINH BÌNH

Đỗ Thị Tám1, Phan Thanh Tùng1, Nguyễn Thị Hồng Hạnh2, Trương Đỗ Thùy Linh3

1Học viện Nông nghiệp Việt Nam,
2Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội
3Trường Đại học Nông lâm thành phố Hồ Chí Minh

Tóm tắt:

Nghiên cứu này nhằm đánh giá thực trạng và đề xuất một số giải pháp nâng cao hiệu quả thực hiện các quyền của người sử dụng đất tại thành phố Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình. Sử dụng phương pháp lấy mẫu ngẫu nhiên để chọn 160 người sử dụng đất và 30 cán bộ để điều tra và sử dụng thang đo 5 mức của Likert để đánh giá. Giai đoạn 2017 – 2021 tại thành phố Ninh Bình có 60.361 hồ sơ thực hiện quyền sử dụng đất. Theo đánh giá của người sử dụng đất có 2/7 chỉ tiêu ở mức rất tốt; có 4/7 chỉ tiêu ở mức tốt và có 1 chỉ tiêu ở mức trung bình. Theo đánh giá của cán bộ công chức có 4/7 chỉ tiêu ở mức rất tốt; 2/7 chỉ tiêu ở mức tốt và 1 chỉ tiêu ở mức trung bình. Để nâng cao hiệu quả thực hiện quyền của người sử dụng đất cần thực hiện đồng bộ các giải pháp sau: hoàn thiện hệ thống hồ sơ địa chính, trang thiết bị kỹ thuật; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Từ khóa: đăng ký đất đai, người sử dụng đất, quản lý đất đai, quyền sử dụng đất, thành phố Ninh Bình.


NGHIÊN CỨU NHÂN GIỐNG IN VITRO CÂY DÀNH  (Gardenia jasminoides Ellis)

Đinh Thị Thu Lê1, Bùi Thị Hải Hoà1, Nguyễn Thị Mỹ Uyên2, Đoàn Thị Thúy Hằng2, Ninh Thị Phíp3, Nguyễn Xuân Trường2,4, Đinh Trường Sơn2,4*

1Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm, Trường Đại học Mở Hà Nội.
2Khoa Công nghệ sinh học, Học viện Nông nghiệp Việt Nam
3Khoa Nông học, Học viện Nông nghiệp Việt Nam
4Viện Sinh học Nông nghiệp, Học viện Nông nghiệp Việt Nam

Tóm tắt:

Cây dành dành không những có giá trị làm thực phẩm mà còn là một cây thuốc có nhiều công dụng trong chữa bệnh. Ở nước ta, đã có các công trình nghiên cứu thành phần hóa học và tác dụng dược lý, tuy nhiên vẫn chưa có công trình nghiên cứu nhân giống in vitro cây dành dành được công bố. Nghiên cứu này được thực hiện nhằm mục tiêu xây dựng quy trình nhân giống in vitro cây dành dành có hệ số nhân giống cao, cây in vitro sinh trưởng tốt. Quả bánh tẻ là phù hợp nhất để lấy hạt tạo nguồn vật liệu ban đầu. Khử trùng quả bằng dung dịch Presept 0,5% trong 10 phút cho hiệu quả khử trùng và sinh trưởng của cây tốt nhất (mẫu sạch là 94,67% và tỷ lệ nảy mầm là 90,59%). Môi trường phù hợp cho nhân nhanh in vitro cây dành dành là môi trường MS có bổ sung 1,5 mg/l BA cho hệ số nhân chồi đạt 7,29 chồi/mẫu. Đối với các vi chồi dành dành, sử dụng môi trường MS có bổ sung 30 g/l đường sucrose và 150 ml nước dừa/lít cho vi chồi sinh trưởng mạnh, chất lượng chồi tốt. Môi trường ra rễ phù hợp cho chồi cây dành dành là môi trường MS có bổ sung 0,5 mg/l IBA hoặc môi trường ½ MS cho tỷ lệ ra rễ đạt 100%, hình thái rễ bình thường, cây sinh trưởng tốt.

Từ khóa: ây dành dành, Gardenia jasminoides Ellis, in vitro, nuôi cấy mô.


ẢNH HƯỞNG CỦA TẦN SUẤT KHAI THÁC VÀ THỜI GIAN BẢO QUẢN ĐẾN CHẤT LƯỢNG TINH DỊCH GÀ HẮC PHONG

Bùi Huy Doanh1*, Nguyễn Thị Phương Giang1, Đinh Thị Yên1, Nguyễn Thị Châu Giang1, Nguyễn Thị Phương1, Phạm Kim Đăng1

1 Khoa Chăn nuôi, Học viện Nông nghiệp Việt Nam

Tóm tắt:

Nghiên cứu này được tiến hành nhằm đánh giá chất lượng tinh dịch của gà trống Hắc Phong nuôi tại Khoa Chăn nuôi – Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Trong thí nghiệm thứ nhất, 30 mẫu tinh dịch của 6 gà trồng Hắc Phong được khai thác với tần suất 1 ngày/lần và 3 ngày/lần để đánh giá  các chỉ tiêu chất lượng thể tích tinh dịch, nồng độ, hoạt lực tinh trùng và tỷ lệ tinh trùng kỳ hình. Ở thí nghiệm thứ hai, tinh dịch sau khai thác được bảo quản trong môi trường A và B ở 5 °C. Các mẫu tinh dịch được kiểm tra chất lượng sau 8 và 24 giờ bảo quản. Kết quả cho thấy, khi khai thác với mật độ 1 ngày/lần có thể tích tinh dịch, nồng độ tinh trùng và hoạt lực tinh trùng thấp hơn so với việc khai thác 3 ngày/lần (P <0,05). Tỷ lệ tinh trùng kỳ hình khi khai thác 1 ngày/lần cũng cao hơn (P <0,05). Khi bảo quản tinh dịch gà ở 5 °C, hoạt lực tinh trùng giảm từ 65,38% sau 8 giờ xuống 49,84% sau 24 giờ ở môi trường A và từ 66,64% xuống 52,02% ở môi trường B. Không có sự sai khác về chất lượng tinh dịch giữa hai môi trường A và B. Ở cả hai môi trường, khi thời gian bảo quản kéo dài từ 8 lên 24 giờ thì hoạt lực tinh trùng đều giảm xuống (P <0,05).

Từ khóa: Chất lượng tinh, bảo quản, nhiệt độ.


XÁC ĐỊNH CHỈ THỊ PHÂN TỬ SSR LIÊN KẾT VỚI GEN su1sh2 TRÊN CÁC DÒNG NGÔ NGỌT TỰ PHỐI

Nguyễn Trung Đức1*, Nguyễn Quốc Trung2, Phạm Quang Tuân1,
Nguyễn Thị Nguyệt Anh1, Vũ Văn Liết3

1Viện Nghiên cứu và Phát triển cây trồng, Học viện Nông nghiệp Việt Nam
2Khoa Công nghệ Sinh học, Học viện Nông nghiệp Việt Nam
3Khoa Nông học, Học viện Nông nghiệp Việt Nam

Tóm tắt:

Nghiên cứu này tiến hành xác định chỉ thị phân tử SSR tối ưu liên kết với gen shrunken2 (sh2), sugary1 (su1) kiểm soát độ ngọt và ứng dụng chọn lọc trên 30 dòng ngô ngọt tự phối S3. Bốn chỉ thị SSR liên kết chặt với gen sh2 (umc1320, umc2276, umc1273, bnlg1257) và 4 chỉ thị SSR liên kết chặt với gen su1 (umc1142, umc1031, bnlg1937, umc2061) được khảo sát trên ba dòng thuần đối chứng: ngô ngọt vàng SWsyn1 (sh2sh2SU1SU1), dòng ngô ngọt vàng Sh922 (SH2SH2su1su1), ngô tẻ hạt vàng D105 (SH2SH2SU1SU1).  Kết quả nghiên cứu cho thấy chỉ thị umc2276 và umc1031 là phù hợp nhất để xác định gen sh2su1 tương ứng. Ứng dụng hai chỉ thị này khảo sát trên 30 dòng ngô ngọt tự phối S3 đã chọn được 7 dòng đồng hợp tử gen lặn sh2sh2 (D04, D09, D13, D21, D22, D24, D25), 2 dòng đồng hợp tử gen lặn su1su1 (D19, D30) và 2 dòng đồng hợp tử ngọt lặn kép sh2sh2su1su1 (D11, D14). Đánh giá kiểu hình đã xác nhận sự tương đồng với kiểu gen cho thấy độ chính xác cao của các chỉ thị phân tử được chọn. Nhóm dòng sh2sh2su1su1 có tổng lượng chất rắn hòa tan cao hơn nhóm dòng sh2sh2 và vượt trội so với nhóm dòng su1su1. Hai chỉ thị SSR và 11 dòng mang gen mục tiêu này là cơ sở để phát triển nhanh dòng thuần ưu tú phục vụ chọn tạo giống ngô thực phẩm chất lượng cao tại Việt Nam.

Từ khóa: Chỉ thị SSR, ngô ngọt, su1, sh2, sh2sh2su1su1.


THỰC TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP  ĐỊNH HƯỚNG NGHỀ NGHIỆP CHO SINH VIÊN KHOA NÔNG HỌC – HỌC VIỆN NÔNG NGHIỆP VIỆT NAM

Trần Thị Vân Anh1*, Nguyễn Thị Nhâm1, Ngô Thị Bích Hằng1

1Khoa Nông học, Học viện Nông nghiệp Việt Nam

Tóm tắt:

Nghiên cứu tiến hành khảo sát 310 sinh viên năm thứ 2, 3 và thứ 4; 47 giảng viên và cán bộ hỗ trợ; cùng 15 đơn vị tuyển dụng về các nội dung liên quan tới định hướng nghề nghiệp và việc làm cho sinh viên Khoa Nông học, Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Kết quả cho thấy sinh viên chủ động lựa chọn ngành nghề theo nhận thức và năng lực bản thân. Tham gia các hội chợ việc làm, tìm kiếm thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng là phương thức tìm kiếm việc làm hàng đầu được đa số sinh viên lựa chọn. Trong khi rất ít sinh viên lựa chọn tìm kiếm việc làm thông qua thi tuyển viên chức hay dựa vào mối quan hệ gia đình. Kết quả này cho thấy sinh viên đã ý thức được vai trò, trách nhiệm của bản thân trong việc chủ động tìm kiếm việc làm trong tương lai. Công tác tư vấn và định hướng nghề nghiệp cho sinh viên được Khoa quan tâm, được sinh viên, cán bộ giảng viên và các đơn vị tuyển dụng đánh giá cao. Tuy nhiên, một số nội dung và phương pháp tổ chức hoạt động chưa đa dạng và chưa thực sự hiệu quả. Khoa cần xây dựng đội ngũ tư vấn chuyên trách đảm bảo đủ cả về số lượng, chất lượng để tổ chức tốt công tác thông tin nghề nghiệp và đẩy mạnh hoạt động tư vấn thường xuyên, liên tục, đa dạng cả về nội dung và hình thức.

Từ khóa: Định hướng nghề nghiệp, Nông học, sinh viên, việc làm.


ĐÁNH GIÁ KHẢ NĂNG SINH TRƯỞNG, NĂNG SUẤT VÀ CHẤT LƯỢNG CỦA MỘT SỐ GIỐNG HƯỚNG DƯƠNG NHẬP NỘI

Đinh Thái Hoàng1, Nguyễn Văn Lộc1, Nguyễn Việt Long1, Vũ Ngọc Thắng1

1Khoa Nông học, Học viện Nông nghiệp Việt Nam

Tóm tắt:

Nghiên cứu được tiến hành nhằm đánh giá sinh trưởng, năng suất và chất lượng hạt của một số giống hướng dương nhập nội trong vụ Xuân năm 2021 tại Gia Lâm, Hà Nội. Thí nghiệm gồm 06 giống hướng dương nhập nội khác nhau bao gồm: Yuyoo (G1), Harutin 20 (G2), Roshia (G3), Kizzu Sumairu (G4), Yuyoo 3 (G5) và giống hướng dương lai F1 (G6). Thí nghiệm được bố trí theo phương pháp khối ngẫu nhiên hoàn chỉnh với 03 lần nhắc lại. Kết quả nghiên cứu cho thấy thời gian sinh trưởng của các giống biến động từ 89 đến 111 ngày, chia thành hai nhóm: chín sớm (G1, G2 và G3) và chín trung bình (G4, G5 và G6). Các giống hướng dương khác nhau có các chỉ tiêu sinh trưởng, sinh lý, các yếu tố cấu thành năng suất, năng suất và hàm lượng dinh dưỡng trong hạt khác nhau. Trong các giống hướng dương, giống G3 có năng suất thực thu cao nhất (3,42 tấn/ha), hàm lượng dầu đạt 19,0% thích hợp cho sản xuất hướng dương ăn hạt. Giống G5 có năng suất thực thu đạt 2,57 tấn/ha, hàm lượng dầu đạt cao nhất (40,6%) thích hợp cho sản xuất hướng dương ép dầu.

Từ khóa: Chất lượng, hướng dương, lấy dầu, nhập nội.


ẢNH HƯỞNG NHIỆT ĐỘ ĐẾN SỰ PHÁT TRIỂN CỦA SÂU KEO MÙA THU
Spodoptera frugiperda
(J. E. Smith) (LEPIDOPTERA: NOCTUIDAE)

Trần Thị Thu Phương1*, Giang Kim Long1, Nguyễn Thanh Hải2, Hồ Thị Thu Giang1

1 Bộ môn Côn trùng, Khoa Nông học, Học viện Nông nghiệp Việt Nam
2 Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Tóm tắt:

Sâu keo mùa thu, Spodoptera frugiperda (J. E. Smith) (Lepidoptera: Noctuidae) là loài côn trùng đa thực nguy hiểm có nguồn gốc tại châu Mỹ, đã trở thành dịch hại xâm lấn gây hại nghiêm trọng trên cây ngô tại Việt Nam. Nghiên cứu xác định ảnh hưởng của yếu tố nhiệt độ đến thời gian phát dục và sức sinh sản của sâu keo mùa thu tại Việt Nam. Sâu keo mùa thu được nuôi sinh học theo cá thể trong tủ định ôn ở các mức nhiệt độ 20; 25; 27,5; 30 và 33oC, ẩm độ 75-85%, thời gian chiếu sáng: tối (12h:12h) với thức ăn lá ngô nếp giống HN88 giai đoạn 3-5 lá. Vòng đời của sâu keo mùa thu ở năm mức nhiệt độ trên lần lượt là 50,56; 36,92; 31,91; 24,28 và 22,28 ngày. Tổng số trứng của một trưởng thành cái sâu keo mùa thu đẻ ra ở mức nhiệt độ 20; 25; 27,5; 30 và 33oC lần lượt là 1119; 1020; 1152; 1168; 778 quả. Nhiệt độ khởi điểm phát dục của pha trứng 11,14oC, pha sâu non 12,47oC và pha nhộng 13,59oC. Tổng tích ôn hữu hiệu (K) của pha trứng, pha sâu non và pha nhộng lần lượt là 42,7; 200,71 và 129,65 độ ngày. Tổng tích ôn hữu hiệu cho sâu keo mùa thu phát triển từ trứng đến trưởng thành là 383,67 độ ngày.

Từ khóa: Degree-days, development, maize, Spodoptera frugiperda, Vietnam.


YẾU TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN SỰ HỢP TÁC TRONG CHUỖI CUNG ỨNG LẠNH VẢI THIỀU TẠI HUYỆN THANH HÀ, HẢI DƯƠNG

Nguyễn Thị Thu Trang, Bùi Thị Mai Linh, Nguyễn Thị Kim Oanh, Đoàn Thị Ngọc Thúy

Khoa Kế toán và Quản trị Kinh doanh, Học viện Nông nghiệp Việt Nam

Tóm tắt:

Mục đích nghiên cứu nhằm phân tích yếu tố ảnh hưởng đến sự hợp tác trong chuỗi cung ứng lạnh vải thiều trên địa bàn huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương. Nghiên cứu có sự kết hợp giữa định lượng và định tính để có cái nhìn thấu đáo và chi tiết hơn. Nghiên cứu định lượng được dựa trên sự phân tích 230 mẫu được thu thập bằng phương thức điều tra phỏng vấn trực tiếp các thành viên tham gia, dữ liệu sau khi thu thập, xử lý được tiến hành phân tích hồi quy nhằm đánh giá mức độ tác động của các yếu tố đến sự hợp tác chuỗi cung ứng lạnh vải thiều. Nghiên cứu định tính được thực hiện phỏng vấn sâu 15 mẫu là lãnh đạo của các thành viên và dữ liệu được xử lý thông qua phần mềm ATLAS. ti 9. Kết quả phân tích cho thấy 6 yếu tố  (sự tín nhiệm, chính sách giá cả, chia sẻ thông tin, mức độ thuần thục hợp tác, văn hoá hợp tác, năng lực lãnh đạo) đều có tác động tích cực trong đó sự tín nhiệm (0.309)  , chính sách giá cả (0.231), chia sẻ thông tin (0,188) có ảnh hưởng lớn đến văn hoá, từ đó nghiên cứu đề xuất giải pháp nhằm tăng cường sự  hợp tác và nâng cao hiệu quả chuỗi cung ứng lạnh vải thiều Thanh Hà

Từ khóa: Hợp tác, chuỗi cung ứng lạnh, vải thiều.


SỬ DỤNG VI KHUẨN PROBIOTIC Lactobacillus TRONG  LÊN MEN SỮA ĐẬU NÀNH

Nguyễn Thị Lâm Đoàn1*, Đào Thị Mỹ Hạnh1, Nguyễn Tiến Thành2, Nguyễn Hoàng Anh1

1Khoa công nghệ thực phẩm, Học viện Nông nghiệp Việt Nam
2Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm, Đại học Bách Khoa Hà Nội

Tóm tắt:

Với mục đích tạo ra sự đa dạng về sản phẩm thực phẩm từ đậu nành, nghiên cứu đã tiến hành bổ sung các chủng vi khuẩn  Lactobacillus trong việc tạo sản phẩm sữa đậu nành lên men probiotic. Khả năng lên men sữa đậu nành của 3 chủng probiotic Lactobacillus: Lactobacillus plantarum D4.3, Lactobacillus pentosus D4.10, Lactobacillus fermentum D5.5  được phân lập từ thực phẩm lên men truyền thống đã được khảo sát. Bằng phương pháp nuôi cấy xác định mật độ tế bào probiotic trong sản phẩm sữa đậu nành sau lên men, nghiên cứu chỉ ra chủng Lactobacillus plantarum D4.3 0,02% (v/v) với nồng độ tế bào 1010 CFU/mL sau 6h lên men cho mật độ tế bào cao nhất 105CFU/mL có khả năng thích nghi với môi trường sữa đậu nành. Chủng này được bổ sung vào sữa đậu nành, tiến hành lên men và xác định pH, độ acid, mật độ tế bào, và đánh giá cảm quan cho thấy Lactobacillus plantarum D4.3 tỷ lệ tiếp giống 0,5% (v/v) với nồng độ tế bào 1010 CFU/mL và thời gian lên men 12h cho sản phẩm sữa đậu nành sau 15 ngày bảo quản ở nhiệt độ 4 – 6oC đảm bảo về chất lượng cảm quan, lượng vi khuẩn probiotic là 108CFU/mL.

Từ khóa: Lactobacillus, Lactobacillus plantarum, probiotic,  sữa đậu nành lên men.


PHÂN LẬP VÀ NGHIÊN CỨU ĐẶC ĐIỂM SINH HỌC CỦA CHỦNG NẤM
Sclerotium rolfsii GÂY BỆNH THỐI GỐC LẠC

Nguyễn Xuân Trường1, Trần Thị Đào2, Tạ Hà Trang2, Nguyễn Thanh Huyền2,
Ngô Thị Vân Anh2, Nguyễn Xuân Cảnh2*

1Viện Sinh học nông nghiệp, Học viện Nông nghiệp Việt Nam
2Khoa Công nghệ sinh học, Học viện Nông nghiệp Việt Nam

Tóm tắt:

       Sản xuất lạc đang gặp nhiều khó khăn do tỉ lệ cây bị bệnh thối gốc, gây ra bởi nấm Sclerotium rolfsii ngày càng tăng nhưng vẫn chưa có giải pháp hiệu quả để xử lý. Nghiên cứu được thực hiện nhằm xác định đặc điểm sinh học của nấm S. rolfsii từ đó định hướng biện pháp phòng và điều trị bệnh thối gốc trên cây lạc hiệu quả hơn. Từ 10 mẫu bệnh thu thập tại tỉnh Nam Định và Thái Bình, bằng phương pháp nuôi cấy trên môi trường PDA kết hợp tái lây nhiễm trên cây lạc, 6 chủng nấm bệnh đã được phân lập, trong đó chủng LT1 và LN1 thể hiện khả năng gây bệnh mạnh nhất. Hai chủng này đã định danh phân tử là chủng S. rolfsii isolate LT1 và chủng S. rolfsii strain LN1. Chúng thuộc cùng nhóm tương thích hệ sợi. Cả hai chủng đều có khả năng sinh trưởng tốt trên môi trường PDA khi nuôi ở 30oC, pH từ 5,0 đến 6,0 với đường kính tản nấm đạt tối đa (>90mm) sau 3 ngày nuôi; hệ sợi nấm màu trắng, đâm tia mạnh. Hạch nấm được hình thành sau 4-5 ngày nuôi và hóa nâu sau 6 -7 ngày nuôi với 921 hạch (LT1) và 420 hạch (LN1). Trong quá trình sinh trưởng, cả hai chủng đều sinh acid làm giảm mạnh pH môi trường nuôi cấy và sinh ra enzyme ngoại bào.

Từ khóa: Bệnh thối gốc, cây lạc, Sclerotium rolfsii.


MỘT SỐ PHƯƠNG PHÁP PHÂN LỚP ĐA NHÃN VÀ ỨNG DỤNG PHÂN LOẠI
TIN NHẮN SMS TIẾNG VIỆT

Hoàng Thị Hà1*, Đào Xuân Dương2, Lê Thị Nhung1

1Khoa Công nghệ thông tin, Học viện Nông nghiệp Việt Nam
2Công ty Cổ phần Tin học Viễn thông Bưu điện

Tóm tắt:

Ngày nay, hầu hết những người dùng các thiết bị di động thường xuyên bị làm phiền bởi một lượng lớn tin nhắn lừa đảo, tin nhắn quảng cáo ở các lĩnh vực khác nhau như: giải trí, mua sắm, tài chính, bất động sản… Trong đó, mỗi tin nhắn SMS có thể thuộc về một hoặc nhiều loại tin nhắn khác nhau cùng lúc. Chính vì vậy, việc sử dụng các phương pháp phân lớp đơn nhãn để phân loại tin nhắn sẽ là không phù hợp. Trong nghiên cứu này, chúng tôi đã xem xét các kỹ thuật phân lớp đa nhãn, thu thập tập dữ liệu tin nhắn SMS Tiếng Việt (SMSVN) với 2000 tin nhắn, cải thiện độ chính xác của các phương pháp phân lớp đa nhãn trên tập dữ liệu SMS Tiếng Việt bằng cách sử dụng kỹ thuật tiền xử lý để chuẩn hóa và làm sạch dữ liệu. Ngoài ra, chúng tôi cũng đã áp dụng các thuật toán phân lớp đa nhãn để thử nghiệm trên tập dữ liệu này. Kết quả cho thấy, sau khi áp dụng các phương pháp tiền xử lý dữ liệu, hầu hết các kỹ thuật phân lớp đa nhãn cho độ chính xác cao hơn và tỷ lệ nhãn bị phân lớp sai thấp hơn; và kỹ thuật Classifier Chains với mô hình Naïve Bayes (GNB) là phù hợp cho bài toán phân lớp dữ liệu SMS Tiếng Việt.

Từ khóa: Phân lớp đa nhãn, phân loại tin nhắn sms, tin nhắn rác, các phương pháp thích nghi thuật toán, các phương pháp chuyển đổi bài toán.


TUYỂN CHỌN CHỦNG VI KHUẨN CÓ KHẢ NĂNG CỐ ĐỊNH NITƠ VÀ TỔNG HỢP
INDOLE-3-ACETIC ACID (IAA) TỪ ĐẤT TRỒNG CÀ CHUA Ở MỘT SỐ XÃ, PHƯỜNG
TẠI TỈNH THÁI NGUYÊN

Trần Văn Chí1*, Nguyễn Mạnh Tuấn2, Ngô Xuân Bình1, Nguyễn Duy Dũng1, Lã Văn Hiền1, Nguyễn Đức Tuân1, Nguyễn Xuân Vũ1, Phạm Thị Tuyết Mai1

1 Trường Đại học Nông Lâm, Đại học Thái Nguyên
2 Viện Khoa học sự sống, Đại học Thái Nguyên

Tóm tắt:

Mục tiêu của nghiên cứu này là tuyển chọn chủng vi khuẩn có khả năng cố định nitơ và tổng hợp IAA mạnh. Từ 32 mẫu đất trồng cà chua thu tại tỉnh Thái Nguyên, đã phân lập được 5 chủng vi khuẩn có cả hai hoạt tính trên. Từ đó tuyển chọn được chủng MN26 có hoạt tính cố định nitơ và sinh tổng hợp IAA mạnh nhất tương ứng với 20,822 µg/ml NH4+ khi nuôi trên môi trường Ashby và 77,2344 µg/ml IAA trên môi trường Ashby bổ sung 0,1% L-Tryptophan. Kết quả so sánh trình tự gen 16S-rRNA của chủng MN26 cho tỷ lệ tương đồng 98,88% với chủng Flavobacterium tistrianum GB 56.1T (KT223144). Sơ đồ phả hệ cho thấy chủng MN26 giữ một trí độc lập với Flavobacterium tistrianum GB 56.1T. Dựa vào dữ liệu phân tích trình tự gen 16S Rrna, chủng MN26 có thể được coi là ứng viên loài mới thuộc chi Flavobacterium, với danh pháp khoa học là Flavobacterium sp. MN26. Kết quả đánh giá đặc điểm nuôi cấy cho thấy chủng Flavobacterium sp. MN26 có khả năng sinh 8 loại enzyme (Phosphatase alcaline, Leucine arylamidase, Valine arylamidase, Trypsine, Phosphatase acide, Naphtol-AS-BI- phosphohydrolase, ß-galactosidase, D-glucosidase), có khả năng đồng hóa các nguồn carbon, bao gồm D-glucose, L-arabinose, D- mannose, D-mannitol, D-maltose, L-rhamnose, D-ribose, Inositol, D-saccharose, N-acetyl-glucosamine, Malic acid, Phenylacetic acid, Potassium gluconate, Sodium acetate và Trisodium citrate; có khả năng sinh Indole và không có khả năng chuyển hóa nitrate thành nitrite. Kết quả của nghiên cứu này là cơ sở khoa học quan trọng góp phần đa dạng hóa nguồn giống tốt phục vụ sản xuất phân bón vi sinh ứng dụng trong sản xuất nông nghiệp bền vững.

Từ khóa: Cố định nitơ; tổng hợp indole-3-acetic axit; Flavobacterium.


ẢNH HƯỞNG CỦA MỘT SỐ YẾU TỐ ĐẾN QUÁ TRÌNH CỐ ĐỊNH TẾ BÀO VI KHUẨN
Virgibacillus campisalis TT8.5 ĐỂ ĐỊNH HƯỚNG ỨNG DỤNG PHÂN GIẢI
HISTAMINE TRONG NƯỚC MẮM TRUYỀN THỐNG

Nguyễn Thị Phương Anh1, Nguyễn Thị Hồng Ly2, Phạm Thị Dịu1, Nguyễn Thị Hồng1, Giang Trung Khoa1, Trần Thị Lan Hương1, Nguyễn Thị Lâm Đoàn1, Nguyễn Thị Thanh Thủy1, Trần Thị Thu Hằng1, Nguyễn Hoàng Anh1*

1Khoa Công nghệ thực phẩm, Học viện Nông nghiệp Việt Nam

Tóm tắt:

Mục tiêu của nghiên cứu này là cố định tế bào vi khuẩn Virgibacillus campisalis TT8.5 trên chất mang để phân giải làm giảm hàm lượng histamine trong nước mắm truyền thống. Với 3 kỹ thuật cố định tế bào là hấp phụ, bao bọc và liên kết chéo sử dụng 9 loại chất mang phù hợp với mỗi kỹ thuật, các yếu tố ảnh hưởng đến quá trình cố định vi khuẩn vào chất mang: tỷ lệ tế bào/chất mang (w/w), thời gian cố định (giờ), nhiệt độ cố định (oC), nồng độ muối trong dung dịch đệm (%) và tốc độ khuấy (vòng/phút) được khảo sát. Hiệu suất cố định tế bào (%) và khả năng phân giải histamine sau 2 giờ phản ứng (%) của chủng vi khuẩn Virgibacillus campisalis TT8.5 được đánh giá. Kết quả chỉ ra rằng, kỹ thuật hấp phụ với chất mang bột xương lợn cho hiệu suất cố định và khả năng phân giải histamine là cao nhất, tương ứng là 54,18% và 41,30%. Các điều kiện để cố định tế bào vi khuẩn Virgibacillus campisalis TT8.5 trên bột xương lợn được xác định là: tỷ lệ tế bào/chất mang 1/15 (w/w), tốc độ khuấy 100 vòng/phút, nồng độ muối 15%, thời gian cố định 1 giờ ở 4oC. Bioreactor dạng nén chứa tế bào vi khuẩn cố định V. campisalis TT8.5 cótiềm năng ứng dụng trong quá trình phân giải histamine của nước mắm truyền thống với hiệu suất phân giải histamine đạt 37,1%.

Từ khóa: Virgibacillus campisalis TT8.5, cố định tế bào, hiệu suất cố định tế bào, khả năng phân giải histamine, chất mang, bột xương lợn.


PHÂN LẬP, TUYỂN CHỌN VI KHUẨN LACTIC ỨNG DỤNG
SẢN XUẤT ĐỒ UỐNG PROBIOTIC TỪ GỪNG

Vũ Quỳnh Hương1, Vũ Thị Yến1, Nguyễn Thị Thanh Thủy1*

1Khoa Công nghệ thực phẩm, Học viện Nông nghiệp Việt Nam,

Tóm tắt:

Vi khuẩn lactic đóng vai trò quan trọng trong sản xuất thực phẩm lên men. Mục đích của nghiên cứu là phân lập và tuyển chọn chủng vi khuẩn lactic từ sản phẩm lên men để ứng dụng trong sản xuất đồ uống probiotic từ gừng. Kết quả phân lập trên môi trường MRS được 46 chủng vi khuẩn với kích thước 1-1,5 mm, khuẩn lạc tròn, bóng, màu trắng đục hoặc trắng sữa, mô nổi. Sơ tuyển được 6 chủng (GM2.10, GM2.11, GM2.17, SM1.2, SM1.3, SM1.5) dựa trên đặc điểm gram dương, catalase âm và đặc điểm hình thái tế bào hình que hoặc hình cầu. Định danh bằng phương pháp khối phổ MALDI-TOF xác định được các chủng trên thuộc 4 loài Enterococcus faecium, Enterococcus casseliflavus, Lactobacillus fermentum và Lactobacillus plantarum. Thử nghiệm hoạt tính probiotic, tuyển chọn được chủng L. plantarum SM1.3 có khả chịu được pH 1,0-3,0, chịu muối mật 0,3% tốt, có khả năng sinh enzyme amylase, protease, cellulase và kháng hai chủng vi sinh vật kiểm định E. coliSalmonella sp. Kết quả giải trình tự gen cho thấy chủng SM1.2 thuộc loài Limosilactobacillus fermentum và chủng SM1.3 thuộc loài Lactiplantibacillus plantarum. Bước đầu sử dụng chủng vi khuẩn L. plantarum SM 1.3 cho sản xuất đồ uống probiotic từ gừng thu được sản phẩm có chất lượng cảm quan xếp loại tốt, mật độ vi khuẩn L. plantarum SM1.3 đạt yêu cầu đối với sản phẩm lên men sau 5 ngày bảo quản ở điều kiện 4 ⁰C.

Từ khóa: Củ gừng, đồ uống probiotic, vi khuẩn lactic, L. plantarum SM1.3.


ĐÁNH GIÁ KHẢ NĂNG KHÁNG NẤM Collectotrichum GÂY BỆNH THÁN THƯ TRÊN QUẢ THANH LONG BỞI CÁC CHỦNG Streptomyces sp.

Nguyễn Thị Thủy Tiên1, Nguyễn Hiền Trang1, Nguyễn Thỵ Đan Huyền1, Lê Thanh Long1

1Trường Đại học Nông Lâm, Đại học Huế

Tóm tắt:

Thán thư là một trong những bệnh phổ biến gây hại trên thanh long sau thu hoạch, gây ra bởi nấm Collectotrichum spp. Trong nghiên cứu này, 56 chủng  Streptomyces sp. được sử dụng để đánh giá khả năng kháng nấm C. acutatum C1. Kết quả sàng lọc sơ bộ bằng phương pháp cấy vệt cho thấy có 33 chủng không có khả năng kháng nấm C. acutatum C1, 17 chủng kháng yếu và 6 chủng thể hiện khả năng kháng nấm mạnh. Đáng chú ý, chủng NARZ có thể hiện tính kháng mạnh nhất và được định danh dựa trên gene 16S rRNA là Streptomyces murinus. Dịch nổi không chứa tế bào của Strep. murinus có thể ức chế sự phát triển của nấm C. acutatum C1 trên môi trường PDA. Nồng độ 28,89% có khả năng ức chế ít nhất 50% sự phát triển của đường kính tản nấm C. acutatum C1. Như vậy, Strep. murinus NARZ có tiềm năng ứng dụng trong kiểm soát bệnh thán thư trên quả thanh long sau thu hoạch.

Từ khóa:kháng nấm, Streptomyces, thán thư, thanh long.


ĐÁNH GIÁ TIỀM NĂNG ĐỐI KHÁNG THỰC VẬT (ALLELOPATHY) CỦA CÂY CỎ MAY (Chrysopogon aciculatus (Retz.) Trin.) TRONG CÁC ĐIỀU KIỆN SÀNG LỌC KHÁC NHAU

Phan Trung Thắng1, Nguyễn Văn Viên1, Nguyễn Thanh Nhung2, Nguyễn Hà Trang Linh2, Trần Đăng Khánh2*

1 Khoa Nông học, Học viện Nông nghiệp Việt Nam
2 Viện Di truyền Nông nghiệp

Tóm tắt:

Cây cỏ may (Chrysopogon aciculatus (Retz.) Trin.) là cây lưu niên thuộc họ lúa Poaceae (Gramineae). Mục đích của nghiên cứu này là đánh giá tiềm năng đối kháng thực vật của cây cỏ may trong các điều kiện thí nghiệm khác nhau. Trong điều kiện phòng thí nghiệm, nồng độ 50 g/l bột cỏ may gây ức chế khá rõ rệt tới sự sinh trưởng và phát triển của cây chỉ thị (cỏ lồng vực, thóc và đỗ xanh), ức chế trung bình các công thức lần lượt là 56,86%; 52,61%; 46,24% tương ứng. Đặc biệt, bột cỏ may ức chế mạnh mẽ tới khả năng phát triển rễ của các cây chỉ thị. Trong điều kiện nhà lưới, tỷ lệ nảy mầm và chiều dài thân của cỏ lồng vực đều thấp hơn so với đối chứng ở nồng độ 200 g/m2. Trong điều kiện đồng ruộng, bột cỏ may vẫn thể tính ức chế khá mạnh tới sinh khối của cỏ lồng vực, giống như các thí nghiệm trong phòng và trong điều kiện nhà lưới. Ức chế trung bình công thức cao nhất là 37,6%. Ngoài ra, bột cỏ may không những kìm hãm sự phát triển của cỏ dại còn làm tăng năng suất của lúa so với đối chứng.

Từ khóa: Chrysopogon aciculatus (Retz.) Trin., allelopathy, cỏ lồng vực, phần trăm ức chế, cây chỉ thị.


Hoàn thiện công tác quản lý nhà nước về du lịch trên địa bàn huyện Tân Lạc,
tỉnh Hòa Bình

Trương Thị Cẩm Anh1, Hồ Ngọc Ninh1*, Nguyễn Tất Thắng2, Lại Phương Thảo3, Bùi Thị Tân4

1Khoa Kinh tế và Phát triển nông thôn, Học viện Nông nghiệp Việt Nam
2Khoa Du lịch và Ngoại ngữ, Học viện Nông nghiệp Việt Nam
3Khoa Kế toán và Quản trị kinh doanh, Học viện Nông nghiệp Việt Nam
4Văn Phòng huyện Ủy Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình

Tóm tắt:

Nghiên cứu phân tích thực trạng và đề xuất giải pháp hoàn thiện công tác quản lý nhà nước về du lịch ở huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình. Nghiên cứu đã khảo sát 20 cán bộ quản lý cấp huyện và cấp xã; 25 tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ du lịch và 60 khách du lịch đã đến tham quan tại huyện Tân Lạc. Kết quả nghiên cứu cho thấy huyện Tân Lạc đã quan tâm đến phát triển du lịch, tuy nhiên công tác quản lý nhà nước về du lịch trên địa bàn huyện thì vẫn còn một số những hạn chế như: công tác quy hoạch phát triển du lịch chưa đồng bộ; công tác tuyên truyền, quảng bá du lịch còn sơ sài; đội ngũ nhân lực du lịch vẫn còn hạn chế; công tác kiểm tra chưa thường xuyên. Một số giải pháp đề xuất nhằm hoàn thiện công tác quản lý nhà nước về du lịch trên địa bàn huyện Tân Lạc như sau: Tăng cường quản lý quy hoạch và kế hoạch phát triển du lịch; Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức về vai trò của ngành du lịch; Tăng cường đào tạo và phát triển nguồn nhân lực du lịch; Đa dạng hoá các sản phẩm, dịch vụ và tour tuyến du lịch; Tăng cường công tác thanh kiểm tra và xử lý vi phạm pháp luật về du lịch.

Từ khóa: Quản lý nhà nước, du lịch, huyện Tân Lạc.


GIẢI PHÁP THÚC ĐẨY ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ CAO TRONG SẢN XUẤT RAU CỦA CÁC HỢP TÁC XÃ NÔNG NGHIỆP Ở HUYỆN ĐÔNG ANH, THÀNH PHỐ HÀ NỘI

Phạm Thị Thanh Thuý, Đặng Xuân Phi, Lê Thị Thanh Loan

Khoa Kinh tế và Phát triển nông thôn, Học viện Nông nghiệp Việt Nam

Tóm tắt:

Ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất rau sẽ giúp các hợp tác xã tăng giá trị sản xuất và lợi nhuận. Nghiên cứu nhằm đánh giá thực trạng, đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất rau tại các hợp tác xã nông nghiệp của huyện Đông Anh. Thông tin, số liệu thứ cấp và sơ cấp được thu thập từ 8 Hợp tác xã nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, 8 hợp tác xã nông nghiệp không ứng dụng công nghệ cao với 32 cán bộ và 160 xã viên các hợp tác xã. Kết quả cho thấy, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất rau giúp nâng cao hiệu quả và tăng giá trị sản xuất cho các hợp tác xã nông nghiệp nhưng đang gặp nhiều khó khăn như quy mô vốn đầu tư lớn, khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm…Các giải pháp cần thực hiện trong thời gian tới thúc đẩy hợp tác xã nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất rau gồm: đẩy nhanh hướng dẫn, triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ; hoàn thiện quy hoạch vùng sản xuất ứng dụng công nghệ cao; hỗ trợ tín dụng linh hoạt; nâng cao hiệu quả chương trình hỗ trợ nhân lực cho HTX; áp dụng công nghệ phù hợp.

Từ khóa:Hợp tác xã nông nghiệp, rau, công nghệ cao.


TĂNG CƯỜNG KHẢ NĂNG KHÁNG VI SINH VẬT CỦA MÀNG SINH HỌC PECTIN-ALGINATE VÀ ỨNG DỤNG BẢO QUẢN QUẢ CHANH DÂY (Passiflora edulis Sims)

Nguyễn Trọng Thăng*, Nguyễn Thị Thu Nga, Hoàng Thị Minh Nguyệt, Nguyễn Thị Bích Thủy

Khoa Công nghệ thực phẩm, Học viện Nông nghiệp Việt Nam

Tóm tắt:

Mục đích của nghiên cứu nhằm tăng cường khả năng kháng vi sinh vật (VSV) của dung dịch tạo màng Pec-Alg. Nanobubbles (NBs), tinh dầu quế (Cinna) và chlorine (Chlo) là 3 chất tiềm năng được lựa chọn để bổ sung vào dung dịch Pec-Alg. Hiệu lực ức chế VSV được đánh giá ở điều kiện in vitro, sau đó phủ màng Pec-Alg trên quả chanh dây để đánh giá hiệu quả kháng VSV, tỉ lệ lây bệnh trong thời gian bảo quản, sự biến đổi chất lượng của quả chanh dây thông qua các chỉ tiêu sinh lý, cơ lý, hóa sinh. Kết quả cho thấy các dung dịch Pec-Alg bổ sung NBs, Cinna, Chlo đều có hiệu lực ức chế VSV cao trong điều kiện in vitro, lần lượt là 86,7%; 74,1% và 93,6%. Hơn nữa, chúng có tác dụng rất tích cực trong việc ức chế VSV trên quả chanh dây (Pec-Alg-Chlo > Pec-Alg-NBs > Pec-Alg-Cinna). Dung dịch Pec-Alg-Chlo có hiệu lực ức chế VSV cao nhất đạt 84,4% tại thời điểm 1h sau phủ màng và 43,6% sau 30 ngày bảo quản. Đồng thời, chúng có hiệu quả rõ rệt trong việc hạn chế tỉ lệ lây bệnh, qua đó giúp kéo dài thời gian bảo quản chanh dây đến 33 ngày, nghĩa là tăng thêm 15 ngày so với đối chứng và tăng thêm 9 ngày so với màng Pec-Alg chưa bổ sung chất kháng VSV.

Từ khóa: Pectin, alginate, màng sinh học, nanobubbles, chlorine, chanh dây.


QUẢN LÝ SỬ DỤNG ĐẤT TRONG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI TẠI HUYỆN THỌ XUÂN, TỈNH THANH HÓA

Đỗ Đình Hiệu,1 Đỗ Thị Tám2, Mai Văn Phấn3

1NCS Học viện Nông nghiệp Việt Nam
2Học viện Nông nghiệp Việt Nam
3Tổng cục Quản lý đất đai

Tóm tắt:

Đất đai đóng vai trò quan trọng trong xây dựng nông thôn mới. Nghiên cứu nhằm đánh giá thực trạng và đề xuất giải pháp quản lý sử dụng đất hiệu quả trong xây dựng nông thôn mới tại huyện Thọ Xuân. Nghiên cứu sử dụng các phương pháp: điều tra thứ cấp, điều tra sơ cấp, đánh giá theo thang đo 5 cấp của Likert, đánh giá theo chỉ tiêu sử dụng đất. Sử dụng phương pháp lấy mẫu ngẫu nhiên chọn 100 cán bộ để điều tra. Về thực hiện quy hoạch sử dụng đất có 9/30 chỉ tiêu sử dụng đất thực hiện đạt mức rất tốt, 5/30 chỉ tiêu đạt mức tốt, 3/30 chỉ tiêu ở mức trung bình; và 13/30 chỉ tiêu ở mức kém và rất kém. Về quản lý sử dụng đất có 2/12 tiêu chí được đánh giá ở mức rất tốt; có 7/12 tiêu chí được đánh giá ở mức tốt; có 2/12 tiêu chí được đánh giá ở mức trung bình và 1/12 tiêu chí được đánh giá ở mức kém. Để nâng cao hiệu quả quản lý sử dụng đất cần tăng cường sự thống nhất, tính liên kết của quy hoạch; giám sát chặt chẽ việc thực hiện quy hoạch; xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai tổng thể; lập kế hoạch và phân loại các dự án sử dụng đất, tăng cường tuyên truyền, phổ biến; tăng khả năng tiếp cận đất đai.

Từ khóa: Quản lý đất đai, xây dựng nông thôn mới, huyện Thọ Xuân.


ĐÁNH GIÁ SINH TRƯỞNG VÀ PHÁT TRIỂN CỦA MỘT SỐ DÒNG/ GIỐNG HOA HIÊN (Hemerocallis sp.) TẠI GIA LÂM, HÀ NỘI

Phạm Thị Minh Phượng1*, Phạm Thị Bích Phương1, Nguyễn Anh Đức1, Nguyễn Xuân Trường2

1 Khoa Nông học, Học viện Nông nghiệp Việt Nam
2Viện sinh học nông nghiệp, Học viện Nông nghiệp Việt Nam

Tóm tắt:

Nghiên cứu được thực hiện nhằm lựa chọn vật liệu mới có các đặc điểm nổi trội về khả năng sinh trưởng, màu sắc, hình dạng và kích thước hoa phục vụ công tác phát triển giống hoa Hiên trang trí ở Việt Nam. Thí nghiệm được bố trí tuần tự không nhắc lại trên 16 dòng hoa Hiên lai và 3 giống hoa Hiên. Mỗi dòng/giống trồng 15 khóm, mỗi khóm 2 thân. Các chỉ tiêu theo dõi bao gồm chiều cao cây (cm), số lá/thân, số ngồng/thân, kích thước ngồng (cm), số nụ/ngồng, khối lượng nụ (g), kích thước hoa (cm)… Kết quả cho thấy tất cả các dòng/giống hoa Hiên đều có khả năng sinh trưởng và phát triển tốt tại Hà Nội. Chiều cao cây từ 46cm (193-9) đến 116,3cm (133-13), chiều cao ngồng hoa từ 38,7cm (193-9) đến 110 cm (133-5), đường kính hoa từ 12,5cm (NB2) đến 18,5cm (133-13). Màu hoa thuộc 3 nhóm đỏ, vàng và cam với cách phối màu đa dạng trên cánh hoa. Độ bền một ngồng hoa từ 7 ngày (188-1) đến 21 ngày (133-3) và độ bền khóm hoa từ 12 ngày (NB2)  đến 31 ngày (133-3). Dựa trên các thông số về sinh trưởng và phát triển của cây hoa Hiên, 12 dòng/giống triển vọng đã được lựa chọn gồm 193-3, 183-4, 188-1, 133-3, 133-8, 133-10, 133-13, K15, K16, 133-12, NN03 và KC19.

Từ khóa: Hoa Hiên, Hemerocallis, sinh trưởng, phát triển.

 


TỔNG QUAN HOẠT ĐỘNG TRỒNG SEN VÀ TIỀM NĂNG
ĐA DẠNG HÓA SẢN PHẨM SEN CỦA NÔNG HỘ

Ngô Ngọc Tồn1, Lê Ngọc Danh2, Huỳnh Thị Thu Linh3, Hà Trần Như Anh4, Trần Thanh Chúc4

1 Trường Đại học Nông Lâm, Đại học Huế
2 Học Viện Nông Nghiệp Việt Nam

Tóm tắt:

Trồng sen đã và đang góp phần nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn, nhưng sự phát triển của hoạt động trồng sen chưa tương xứng với tiềm năng của nó. Các sản phẩm chủ yếu được bán dưới dạng thô nên giá trị sen thấp, kênh tiêu thụ thiếu tính ổn định và bền vững. Bài tổng quan này sẽ cung cấp các thông tin có ý nghĩa khoa học và thực tiễn về tình hình sản xuất và tiêu thụ sen, tiềm năng đa dạng hóa sản phẩm sen, cũng như những rào cản trong hoạt động sản xuất và đa dạng hóa sản phẩm sen tại Việt Nam. Nghiên cứu cho thấy, nông hộ trồng sen hoàn toàn có khả năng đa dạng hóa các sản phẩm nhằm gia tăng giá trị sản phẩm, nhưng phương thức sản xuất và tiêu thụ truyền thống vẫn đang được duy trì. Nông hộ vẫn đang vật lộn với nhiều khó khăn trong sản xuất và thị trường đầu ra và hoạt động đa dạng hóa sản phẩm chưa được chú trọng. Đang còn tồn tại một khoảng cách lớn giữa sản phẩm thực tế so với tiềm năng đa dạng hóa sản phẩm sen của nông hộ. Khoảng cách này chỉ được rút ngắn nếu có sự can thiệp từ bên ngoài.

Từ khóa: Đa dạng hóa, nông hộ, rào cản, trồng sen, tiêu thụ sen.


PHÂN TÍCH HIỆU QUẢ SẢN XUẤT GIỮA CÁC MÔ HÌNH TRỒNG NHÃN
Ở TỈNH HƯNG YÊN

Nguyễn Đức Trung1, Nguyễn Viết Đăng2, Quyền Đình Hà3

1 Nghiên cứu sinh Khoa Kinh tế và PTNT, Học viện Nông nghiệp Việt Nam
2,3 Học viện Nông nghiệp Việt Nam

Tóm tắt:

Nghiên cứu thực hiện nhằm phân tích hiệu quả sản xuất giữa các mô hình trồng nhãn khác nhau (Hộ gia đình, Trang trại, Hợp tác xã) và ở các vùng trồng nhãn khác nhau (vùng trồng nhãn tập trung và vùng trồng nhãn phân tán) trên địa bàn tỉnh Hưng YênĐặc điểm nảy mầm của một số loài chuối hoang dại và ảnh hưởng của điều kiện bảo quản tới khả năng nảy mầm của loài Musa balbisiana. Từ đó đề ra các giải pháp, chính sách phù hợp nhằm nâng cao hiệu quả trồng nhãn ở Hưng Yên. Nghiên cứu sử dụng số liệu thứ cấp kết hợp với nguồn số liệu sơ cấp thông qua việc phỏng vấn 180 cơ sở trồng nhãn (60 phiếu hộ gia đình, 60 phiếu trang trại và 60 phiếu thành viên của Hợp tác xã/Tổ hợp tác). Kết quả nghiên cứu cho ta thấy, trồng nhãn theo mô hình Hợp tác xã/Tổ hợp tác mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất: giá trị gia tăng trung bình theo mô hình Hợp tác xã/Tổ hợp tác là 199,76 triệu đồng/ha/năm, cao hơn so với mô hình trang trại (167,41 triệu đồng/ha/năm) và mô hình hộ gia đình (138,43 triệu đồng/ha/năm) và sự khác biệt này có ý nghĩa thống kê (p<0,05); Hiệu quả trồng nhãn ở vùng tập trung cao hơn so với trồng nhãn ở vùng phân tán: năng suất trung bình trồng nhãn ở vùng tập trung đạt 12,45 tấn/ha, cao hơn năng suất trung bình ở vùng vùng phân tán 12,03 tấn/ha và sự khác biệt này có ý nghĩa thống kê (p<0,05); giá trị gia tăng trung bình trồng nhãn vùng tập trung là 179,41 triệu đồng/ha/năm, cao hơn so với trồng nhãn vùng phân tán là 157,65 triệu đồng/ha/năm và sự khác biệt này có ý nghĩa thống kê (p<0,05).

Từ khóa: Mô hình trồng nhãn, giải pháp nâng cao hiệu quả trồng nhãn, nhãn Hưng Yên.


PHÂN TÍCH CÁC YẾU TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN THU NHẬP NÔNG HỘ
CANH TÁC TÔM – LÚA TẠI HUYỆN AN BIÊN, TỈNH KIÊN GIANG

Ngô Ngọc Tồn1, Lê Ngọc Danh2, Huỳnh Thị Thu Linh3, Hà Trần Như Anh4, Trần Thanh Chúc4

1Giảng viên trường Đại học Kiên Giang
2Nghiên cứu sinh trường Đại học Cần Thơ, Giảng viên trường Đại học Kiên Giang
3Giảng viên trường cao đẳng nghề Kiên Giang
4Sinh vên Khoa Kinh Tế, trường Đại học Kiên Giang

Tóm tắt:

Bài viết sử dụng phương pháp thống kê mô tả, hồi quy đa biến xác định các yếu tố ảnh hưởng đến thu nhập nông hộ canh tác tôm – lúa tại huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang. Sau khi thu thập và xử lý số liệu, kết quả điều tra 304 nông hộ tìm ra 9 yếu tố ảnh hưởng đến thu nhập nông hộ bao gồm: tuổi, giới tính, trình độ học vấn, số năm kinh nghiệm, số lượng lao động, diện tích, giống được kiểm định, vay vốn và tập huấn. Trong đó, có 4 yếu tố tác động chính đến thu nhập nông hộ ở An Biên, đó là: số năm kinh nghiệm, diện tích, vay vốn và tập huấn. Số liệu xử lý cụ thể của 4 yếu tố chính như sau: số năm kinh nghiệm trong sản xuất nông nghiệp trung bình là 10 năm; diện tích đất sản xuất trung bình là 20.717,11 m2; tỷ lệ vay vốn là 71,38%; tỷ lệ tham gia tập huấn là 45,72%. Từ đó, bài viết đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao thu nhập như: nông hộ nên tiếp cận thêm các phương tiện thông tin đại chúng về sản xuất nông nghiệp để nâng cao nhận thức, tích lũy kinh nghiệm, đồng thời, địa phương cần theo chặt, gắn bó với nông hộ để đưa ra các chính sách phù hợp, xác đáng với nông hộ; tăng cường thêm nguồn lực như: diện tích, vốn để gia tăng năng suất và chất lượng, từ đó, cải thiện thu nhập.

Từ khóa: Phân tích, yếu tố ảnh hưởng, tôm – lúa, thu nhập, nông hộ, huyện An Biên.


ẢNH HƯỞNG CỦA SILIC ĐẾN MỘT SỐ CHỈ TIÊU SINH LÝ VÀ KHẢ NĂNG HẤP THU DINH DƯỠNG KHOÁNG CỦA CÂY MẠCH MÔN (Ophiopogon Japonicus Wall) TRONG ĐIỀU KIỆN KHÔNG TƯỚI

Nguyễn Thị Thanh Hải1, Nguyễn Đình Vinh2, Nguyễn Văn Phú3

1 Nghiên cứu sinh Khoa Nông học, Học viện Nông nghiệp Việt Nam
2 Hội Khoa học công nghệ Chè Việt Nam
3Khoa Nông học, Học viện Nông nghiệp Việt Nam

Tóm tắt:

Nghiên cứu này nhằm đánh giá ảnh hưởng của các mức bón silic (Si) đến một số chỉ tiêu sinh lý và khả năng hấp thu dinh dưỡng khoáng của cây mạch môn trong điều kiện không tưới nước tại Hạ Hòa, Phú Thọ. Thí nghiệm 2 nhân tố được bố trí theo kiểu split-plot trên đất xám bạc màu với 6 mức bón silic (0, 20, 30, 40, 50, 60 kgSiO2/ha/năm) trên 2 mẫu giống mạch môn (G2 và G6). Kết quả nghiên cứu cho thấy bón bổ sung Si đã làm giảm mức độ rò rỉ ion, giảm mức độ thiếu hụt bão hòa nước trên cả 2 mẫu giống. Bón Si đã làm tăng áp suất thẩm thấu (ASTT), tăng chỉ số SPAD và hiệu suất huỳnh quang diệp lục (Fv/Fm) là cơ sở nâng cao hoạt động quang hợp của cây trong điều kiện không có tưới. Khả năng hấp thu dinh dưỡng khoáng (N, P2O5, K2O, SiO2) và tích lũy hàm lượng hoạt chất polysacharides, saponin, flavonoids trong rễ, củ mạch môn có xu hướng tăng khi tăng lượng bón Si. Mức biến động của hoạt chất polysaccharide giữa các công thức được ghi nhận thấp hơn so với saponin và flavonoids. Trên đất xám bạc màu, mức bón 40kg SiO­­2 trên nền 30N, 30P2O5, 30K2O phù hợp với cây mạch môn, giúp cây tích luỹ hoạt chất cao hơn các mức bón khác.

Từ khóa: Ophiopogon japonicus, thiếu nước, Silic, đặc điểm sinh lý, hoạt chất.



BÌA TẠP CHÍ KHNNVN