Quy định về đạo đức xuất bản - Tạp chí Khoa học Nông nghiệp Việt Nam

Quy định về đạo đức xuất bản

Đăng ngày:21/01/ 2024

Quy định về đạo đức xuất bản

  1. Nội dung quy định đạo đức xuất bản

       Bài báo đăng trên Tạp chí Khoa học Nông nghiệp Việt Nam được thông qua quy trình phản biện kín 2 chiều. Đạo đức xuất bản của Tạp chí được quy định rõ ràng, cụ thể như sau:

  • Nhiệm vụ của tác giả

Quyền tác giả: Chỉ những cá nhân có đóng góp đáng kể vào nghiên cứu mới có quyền tác giả về bài viết.

Tiêu chuẩn về bài gửi đăng: Bài gửi đăng Tạp chí Khoa học Nông nghiệp Việt Nam phải là kết quả của các công trình công nghệ, hoặc là bài tổng hợp từ những bài báo trong các tạp chí, thông tin khoa học – công nghệ có nội dung mới, chưa gửi đăng trên bất cứ Tạp chí khoa học nào.

Tính nguyên bản của bản thảo, đạo văn và xác nhận nguồn: Tác giả/Các tác giả cần đảm bảo tính nguyên bản của bài viết trước khi gửi đến Tạp chí. Các bài viết gửi đăng Tạp chí Khoa học Nông nghiệp Việt Nam phải là bài viết chưa được gửi đăng ở bất kỳ tạp chí nào (các bài đã gửi đăng ở các tạp chí khác thì không được gửi đăng ở Tạp chí này). Nếu tác giả sử dụng tài liệu hay lời trích dẫn của các nhà khoa học khác, thì tác gỉả cần phải trích dẫn, trích nguồn hoặc xin phép được sử dụng tài liệu đó trong nghiên cứu một cách rõ ràng.

Nhiều ấn phẩm: Tác giả/Các tác giả không xuất bản các bản thảo có cùng một nội dung nghiên cứu trên nhiều hơn một tạp chí hoặc đơn vị xuất bản.

Tuyên bố về xung đột lợi ích: Trong bản thảo bài viết, tất cả tác giả cần nêu rõ các mối quan hệ cá nhân và các nguồn tài chính với những cá nhân khác hoặc các tổ chức có khả năng tác động không phù hợp đến công trình nghiên cứu. Tác giả/Các tác giả cần liệt kê cụ thể các nguồn hỗ trợ tài chính cho việc thực hiện nghiên cứu và/hoặc hoàn thiện bài viết. Nếu nguồn tài trợ không có bất kỳ sự liên quan nào thì tác giả/các tác giả cũng cần phải tuyên bố rõ ràng trong bài viết. Các tác giả cần trình bày sớm nhất có thể những mâu thuẫn tiềm ẩn về quyền lợi liên quan đến bài viết.

Thông báo về các sai sót trong ấn phẩm đã xuất bản: Khi tác giả/các tác giả phát hiện có sai sót trong bài viết đã xuất bản thì phải thông báo ngay cho Ban Biên tập Tạp chí để rút bài hoặc sửa chữa những nội dung cụ thể trong bài viết nếu Ban Biên tập nhận thấy cần thiết. Nếu Ban Biên tập và Tạp chí nhận được thông báo từ bên thứ ba về lỗi sai trong ấn phẩm, thì tác giả/các tác giả có trách nhiệm hợp tác kịp thời cùng với Ban Biên tập, bao gồm việc cung cấp đầy đủ bằng chứng cho Ban Biên tập Tạp chí khi được yêu cầu.

  • Nhiệm vụ của phản biện

Tính bảo mật: Phản biện phải bảo mật các bản thảo được nhận, không được chia sẻ bất kỳ đánh giá hoặc thông tin về bài viết với bất kỳ ai hay liên hệ trực tiếp với tác giả mà không được sự đồng ý của Ban Biên tập. Phản biện không được sử dụng các tài liệu/kết quả nghiên cứu trong bản thảo bài viết mà không có sự đồng ý của tác giả/các tác giả.

Cảnh báo về các vấn đề đạo đức: Các chuyên gia phản biện cần có nhận thức cao về các vấn đề xung đột lợi ích tiềm ẩn liên quan đến bài viết và thông báo ngay đến Ban Biên tập, bao gồm bất kỳ sự tương đồng và trùng lặp đáng kể giữa các bản thảo đang xem xét với các bài viết đã được công bố mà chuyên gia phản biện biết đến.

  • Nhiệm vụ của Ban Biên tập

Quyết định xuất bản: Ban Biên tập của Tạp chí chịu hoàn toàn trách nhiệm và độc lập đối với việc quyết định đăng tải và xuất bản các bài viết gửi về Tạp chí. Mọi thành viên Ban Biên tập phải tuân thủ các chính sách của Tạp chí và chịu sự ràng buộc từ các quy định pháp luật khác.

Phản biện của chuyên gia: Thành viên Ban Biên tập phải đảm bảo tính công bằng, không thiên vị và đúng hạn trong quy trình phản biện, cần lựa chọn chuyên gia phản biện có chuyên ngành phù hợp với lĩnh vực nghiên cứu của bài viết.

Tính công bằng: Thành viên Ban Biên tập đánh giá bản thảo gửi đến Tạp chí dựa trên nội dung khoa học một cách công bằng, minh bạch.

Tính bảo mật: Thành viên Ban Biên tập phải đảm bảo tính bảo mật của tất cả các bản thảo gửi đến Tạp chí và các cuộc trao đổi với phản biện. Thành viên Ban Biên tập cần giữ kín thông tin về phản biện và không được phép sử dụng các thông tin trong bản thảo để phục vụ cho mục đích cá nhân.

Công khai về xung đột lợi ích: Thành viên Ban Biên tập không được tham gia vào quy trình xét duyệt các bài viết có tên của mình hoặc thành viên gia đình, hay là bất cứ vấn đề gì liên quan đến sản phẩm hay dịch vụ mà trong đó thành viên Ban Biên tập được hưởng lợi ích từ đó.

 

2.QUYỀN TRÁCH NHIỆM

a, Trách nhiệm về nội dung bài viết

Tác giả hoàn toàn chịu trách nhiệm về mặt pháp lý các nội dung bài viết được đăng trên Tạp chí; cam đoan bài viết là nguyên bản, không xâm phạm bất kỳ quyền sở hữu hay xuất bản của một bên thứ ba, có trách nhiệm xin phép chủ sở hữu trước khi sử dụng nguồn dữ liệu đề tham khảo và phân tích nghiên cứu trong bài viết.

b, Trách nhiệm về bản quyền bài viết

  • Bài viết gửi đến Tạp chí Khoa học Nông nghiệp Việt Nam phải là kết quả nghiên cứu gốc hoặc bài báo tổng quan chưa từng được công bố trên bất kỳ tạp chí khoa học nào trước đây.
  • Tác giả không gửi đăng bài viết trên các tạp chí khác khi chưa có quyết định từ chối không đăng bài của Ban Biên tập Tạp chí.

3.VI PHẠM ĐẠO ĐỨC XUẤT BẢN

Đạo văn: Đạo văn là cố ý sử dụng ý tưởng của người khác hoặc tài liệu gốc khác như là tài liệu của chính mình. Tất cả các bản thảo được gửi đăng tại Tạp chí đều được sàng lọc bằng phần mềm phòng chống đạo văn (Ithenticate và Turnitin). Việc trích dẫn một hoặc nhiều tác phẩm của người khác hoặc của mình mà tỷ lệ trùng lặp nội dung từ 30% trở lên được coi là hành động đạo văn hay vi phạm liêm chính học thuật.

Bịa đặt và làm sai lệch dữ liệu: Việc ngụy tạo và làm sai lệch dữ liệu có nghĩa là nhà nghiên cứu không thực sự thực hiện nghiên cứu, nhưng đã tạo ra dữ liệu hoặc kết quả và đã ghi lại hoặc báo cáo thông tin bịa đặt.

Nộp đồng thời: Việc nộp đồng thời xảy ra khi một bản thảo (hoặc các phần quan trọng của một bản thảo) được nộp cho một Tạp chí khi nó đã được một Tạp chí khác nhận.

Công bố trùng lặp: Việc xuất bản trùng lặp xảy ra khi hai hoặc nhiều bài báo, không có tham khảo chéo đầy đủ, chia sẻ về dữ liệu, điểm thảo luận và kết luận giống nhau.

Các ấn phẩm thừa: Các ấn phẩm thừa liên quan đến việc phân chia kết quả nghiên cứu thành một số bài báo không phù hợp, thường là do tác giả có ý định làm tăng số lượng bài báo và dày lên lý lịch khoa học nghiên cứu.

Đóng góp hoặc ghi nhận tác giả không phù hợp: Tất cả các tác giả được liệt kê phải có đóng góp khoa học đáng kể cho nghiên cứu trong bản thảo và đã chấp thuận tất cả các nội dung của bản thảo.

Trích dẫn quá nhiều: Trích dẫn quá nhiều bao gồm các trích dẫn quá mức trong bản thảo đã gửi, không đóng góp vào nội dung học thuật của bài báo và chỉ được đưa vào nhằm mục đích tăng trích dẫn cho tác phẩm của một tác giả nhất định hoặc cho các bài báo được xuất bản trong một Tạp chí cụ thể.

Trong trường hợp có văn bản vi phạm bất kỳ chính sách nào nêu trên, bản thảo gửi đăng sẽ bị từ chối xuất bản.

 



BÌA TẠP CHÍ KHNNVN