Ảnh hưởng của thời gian chiếu sáng ngắn đêm đến khả năng ra hoa

Ảnh hưởng của thời gian chiếu sáng ngắn đêm đến khả năng ra hoa, đậu quả trái vụ và năng suất giống thanh long ruột đỏ TL5 trồng tại Gia Lâm, Hà Nội

Đăng ngày:28/04/ 2020

Nguyễn Thị Thu Hương, Nguyễn Quốc Hùng, Đoàn Văn Lư

Đơn vị: Viện Nghiên cứu Rau quả, Khoa Nông học, Học viện Nông nghiệp Việt Nam

TÓM TẮT

Nghiên cứu xử lý ra hoa trái vụ cho giống thanh long ruột đỏ TL5 trồng tại Gia Lâm, Hà Nội nhằm mục tiêu xây dựng quy trình kỹ thuật rải vụ thu hoạch cho giống thanh long ruột đỏ ở các tỉnh phía Bắc. Nghiên cứu được thực hiện trong 2 vụ, vụ chiếu 1 ngày 20/10/2016, vụ chiếu 2 ngày 20/10/2017; sử dụng bóng điện sợi đốt công suất 60 W, ánh sáng màu vàng với 5 công thức thời gian chiếu sáng: 13, 16, 19, 22 và 25 đêm; thời gian chiếu sáng từ 22 h đêm đến 3 h sáng. Thí nghiệm được bố trí theo khối ngẫu nhiên hoàn toàn, mỗi công thức 20 trụ/lần nhắc. Kết quả nghiên cứu thu được cho thấy ở cả 2 vụ xử lý chiếu sáng, các công thức xử lý chiếu sáng 19, 22 và 25 đêm đều
cho cây có khả năng ra hoa tốt. Số lượng cành/trụ xuất hiện nụ hoa và số nụ hoa ổn định/trụ của các công thức xử lý chiếu sáng tương ứng đạt được 28,2-33,6 cành và 52,7-67,2 nụ hoa và đều khác biệt có ý nghĩa so với các công thức xử lý với thời gian chiếu sáng 13 và 16 đêm. Năng suất thực thu ở các công thức xử lý chiếu sáng 19; 22 và 25 đêm đạt 6,2-7,3 kg/trụ ở cả 2 vụ xử lý và sai khác có ý nghĩa so với các công thức có thời gian chiếu sáng ngắn hơn. Trong các công thức xử lý chiếu sáng, công thức xử lý chiếu sáng 22 đêm đạt hiệu quả cao nhất, tăng lãi 150,8 triệu đồng/ha ở vụ chiếu 1 và 144,8 triệu đồng/ha ở vụ chiếu 2.

Từ khóa: Xử lý ra hoa trái vụ, thời gian chiếu sáng, nụ hoa, thanh long ruột đỏ TL5, Hà Nội

Xem bản đầy đủ:tapchiso11.3.3

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 



BÌA TẠP CHÍ KHNNVN